Vụ tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ: Ảnh hưởng sao thương mại toàn cầu?

Việc tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key (Mỹ) ảnh hưởng dòng giao thương hàng hóa đến nước này, buộc nhiều tàu chở hàng phải chuyển hướng.

Ba ngày sau khi cây cầu Francis Scott Key (TP Baltimore, bang Maryland, Mỹ) bị một tàu container đâm sập khiến 6 người thiệt mạng, nhà chức trách đã bắt đầu dọn dẹp hiện trường, theo tờ South China Morning Post.

Thi thể của 2 trong số 6 nạn nhân nói trên đã được tìm thấy. Ngày 28-7, việc tìm kiếm thi thể những người khác đã dừng lại vì các mảnh của cầu có thể khiến các thợ lặn gặp nguy hiểm. Trên tàu còn có một số container chứa chất độc hại.

Toàn bộ 22 thành viên thủy thủ đoàn – hầu hết đều là người Ấn Độ – vẫn còn ở trên tàu và đang được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ thẩm vấn. Các nhà điều tra đã thu được máy ghi dữ liệu của con tàu và đang tích cực điều tra.

Hiện trường vụ tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key (Mỹ). Ảnh: EPA-EFE

Dọn dẹp hiện trường và xây dựng lại

Chính phủ Mỹ đã công bố viện trợ khẩn cấp 60 triệu USD để dọn dẹp hiện trường và phục hồi hiện trạng khu vực tàu hàng đâm sập cầu.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết tài trợ để xây dựng lại cây cầu này, dự kiến phải hơn một năm nữa mới xây được một cây cầu mới. Kinh phí xây dựng cầu mới có thể lên tới 1 tỉ USD.

Hôm thứ 29-3, một chiếc cần cẩu với sức tải gần 1.000 tấn đã được điều đến hiện trường vụ việc để giúp khai thông hệ thống đường thủy. Chính quyền liên bang và tiểu bang Maryland vẫn chưa chắc chắn về thời gian các hoạt động vận chuyển hàng hóa có thể diễn ra bình thường.

Công việc dọn dẹp hàng tấn mảnh vụn thép của cầu trong vùng nước sâu của sông Patapsco được cho là sẽ khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là khi thi thể của 4 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Hoạt động dọn dẹp hiện trường dự kiến diễn ra theo 3 giai đoạn: (1) dỡ bỏ giàn cầu để cho phép các tàu lưu thông một chiều ra vào cảng Baltimore; (2) di chuyển các mảnh vụn trên tàu hàng đâm sập cầu để tàu này có thể di chuyển; (3) dọn sạch các mảnh vụn thép và bê tông dưới lòng sông.

Cảng quan trọng

Cảng Baltimore là bến cảng lớn thứ chín của Mỹ. Năm 2023, cảng đã xử lý 52,3 triệu tấn hàng hóa nước ngoài, trị giá gần 81 tỉ USD.

Các nhà sản xuất ô tô bao gồm Mazda, Mercedes-Benz và Subaru là những bên thường xuyên sử dụng cảng này. Cảng đã xử lý quá trình nhập và xuất khẩu 750.000 ô tô và xe tải nhẹ vào năm 2023 – đạt mức cao nhất trong số các cảng ở Mỹ.

Một phần cầu Francis Scott Key đè lên tàu chở hàng. Ảnh: AFP

Năm 2023, đây cũng là cảng có lượng xuất khẩu than lớn thứ hai, chiếm 28% tổng lượng than xuất khẩu của Mỹ. Các chuyến hàng chở nhiên liệu, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch khác cũng được vận chuyển qua đây.

Baltimore cũng đứng đầu trong danh sách các cảng ở Mỹ trong việc xuất và nhập khẩu máy móc nông nghiệp, xây dựng hạng nặng, thiết bị nông nghiệp, phân bón và nhiều sản phẩm liên quan nông nghiệp khác.

Năm sản phẩm nông nghiệp được cảng xử lý nhiều nhất là đường, đậu nành, ngô, lúa mì và cà phê. Phần lớn đậu nành xuất khẩu qua cảng Baltimore được đưa đến các nước châu Á.

Trong năm 2022, cảng cũng là nơi tiếp nhận nhiều mặt hàng nhập khẩu, bao gồm hơn 106.000 tấn đồ nội thất, 83.000 tấn thịt và hải sản. Nhập khẩu nhựa và cao su qua cảng Baltimore đạt tổng cộng hơn 221.000 tấn trong năm 2022.

Đe dọa chuỗi cung ứng

Các cảng bờ biển phía đông nước Mỹ đang xử lý lượng lớn hàng nhập khẩu từ châu Á, so với các cảng ở khu vực Thái Bình Dương (phía tây nước Mỹ). Đây được cho là kết quả của các yếu tố như đại dịch, các chính sách thương mại, các vấn đề về chuỗi cung ứng, mở rộng cơ sở hạ tầng và tính hiệu quả của các cảng biển.

Do đó, việc cầu Francis Scott Key bị sập là một tin xấu cho ngành hàng hải và xuất nhập khẩu.

Giao thương giữa Mỹ với Trung Quốc được thực hiện thông qua các cảng bờ biển phía tây nước Mỹ. Trong khi đó, các chuyến hàng đến và đi từ các nước Nam Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh thường sử dụng các cảng bờ biển phía đông, mặc dù khoảng cách từ các nước này đến khu vực phía đông nước Mỹ xa hơn so với phía tây.

Do sự cố sập cầu nói trên, tàu chở hàng hóa hướng đến cảng Baltimore sẽ được chuyển hướng đến các cảng khác của Mỹ. Điều này có thể xảy ra sự gián đoạn về hậu cần và các vấn đề khác.

Ông Judah Levine – chuyên gia tại một công ty chuyên về vận tải hàng hóa quốc tế – cho biết: “Các công ty phụ thuộc vào Baltimore sẽ phải đối mặt thách thức trong việc khẩn trương tìm kiếm các giải pháp thay thế và cũng có thể sẽ phải chịu chi phí cao hơn, nếu nơi mới xa trung tâm phân phối của họ”.

Cần cẩu được điều đến để dọn sạch các phần của cầu Francis Scott Key bị sập, vào ngày 29-3. Ảnh: AFP

Những tổn thất đầu tiên

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cảng Baltimore đối với thương mại quốc tế, Thống đốc bang Maryland – ông Wes Moore cho rằng việc tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key đã gây “cuộc khủng hoảng toàn cầu”. Gần 15.000 người có nguy cơ mất việc làm nếu cảng Baltimore đóng cửa nhiều tháng.

Theo ước tính, cảng đang phải đối mặt khoản lỗ khoảng 50 triệu USD/ngày. Theo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, hiện có 10 tàu bị mắc kẹt bên trong cảng Baltimore.

Theo lịch trình trong những tuần tới, các tàu chở hóa chất, 5 tàu container, 15 tàu chở phương tiện và 13 tàu chở hàng rời dự kiến đến cảng Baltimore. Tất cả tàu này sẽ được chuyển hướng đến các cảng khác, tùy thuộc vào lượng hàng các tàu này chở.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-tau-hang-dam-sap-cau-o-my-anh-huong-sao-thuong-mai-toan-cau-post782927.html