Vụ tai nạn lao động khiến 6 công nhân thủy điện thương vong: Sai khớp về nguyên nhân dẫn đến tai nạn

Ngày 26-5, Cơ quan CSĐT CAH Ngọc Hồi (Kon Tum) vẫn đang phối hợp với VKSND cùng cấp tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra tại thủy điện Plei Kần (TT Plei Kần, H. Ngọc Hồi) xảy ra vào chiều 25-5 khiến 3 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư và lời kể từ nạn nhân, nguyên nhân dẫn đến sự việc nghiêm trọng trên có sự sai khớp.

Đường đi ra khu vực thi công chênh vênh nhưng không hề có lan can bảo hộ.

Đường đi ra khu vực thi công chênh vênh nhưng không hề có lan can bảo hộ.

Chủ đầu tư nói một đường, nạn nhân kể một nẻo

Theo báo cáo của Cty CP Tấn Phát, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Plei Kần gửi UBND tỉnh Kon Tum thì vụ tai nạn trên xảy ra tại mép bờ của cụm đầu mối cửa xả và cửa nhận nước thủy điện. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 12 giờ 30 phút đến 13 giờ ngày 25-5, khi các công nhân đang trong quá trình di chuyển đến chỗ làm việc, có một số công nhân đi lại trên mép bờ của cụm đầu mối thì bất ngờ bị ngã từ trên cao xuống. Trong lúc hoảng loạn các công nhân đã lôi kéo nhau dẫn đến 6 người rơi xuống khu vực cửa xả.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, các công nhân đang có mặt tại công trình đã nhanh chóng tìm kiếm, cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, do va đập mạnh khi ngã từ trên cao và ngạt nước nên 3 công nhân đã tử vong, 3 công nhân khác bị thương và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. 3 công nhân tử vong được xác định là anh A Triệu, A Khái và A Hồng (cùng trú làng Klâu Klah, xã Ia Chim, TP Kon Tum, Kon Tum). 3 nạn nhân bị thương khác, gồm anh A Phiên (26 tuổi), A Đục (23 tuổi, cùng trú TT Plei Kần, H. Ngọc Hồi) và em A Đục (16 tuổi, trú xã Đăk Rơ Nga, H. Đăk Tô, Kon Tum).

Nơi mà Cty CP Tấn Phát cho rằng các nạn nhân rơi xuống nước, dù có độ cao lớn, mất an toàn nhưng cũng không hề có biện pháp bảo vệ.

Nơi mà Cty CP Tấn Phát cho rằng các nạn nhân rơi xuống nước, dù có độ cao lớn, mất an toàn nhưng cũng không hề có biện pháp bảo vệ.

Cũng theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, Cty có biện pháp hỗ trợ kịp thời về vật chất cũng như đến thăm hỏi, chia sẻ với các gia đình nạn nhân tử vong và bị thương. Trước mặt, Cty đã hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng theo phong tục địa phương và chi phí điều trị cho các nạn nhân bị thương. Ngoài ra, báo cáo còn nêu việc triển khai thi công xây dựng công trình thủy điện Plei Kần đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt và các quy định của pháp luật liên quan. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công luôn chấp hành các biện pháp an toàn công trình, lao động.

Trong khi đó, theo lời của các nạn nhân bị thương thì nguyên nhân tai nạn khác với những gì mà chủ đầu tư đã báo cáo. Nạn nhân A Đục kể lại: "Lúc đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút, cả 6 người đang đứng trên rọ sắt để đục bê tông ở phần hạng mục cửa xả, khi đang kéo lên thì dây cáp đứt, cả 6 người đều rơi xuống phía dưới. Em rơi xuống phía dưới thì bơi được vào bờ". Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là A Xen cho biết thêm: "Khi dây cáp đứt, mọi người chỉ kịp la lên rồi rơi xuống phía dưới. Lúc em tỉnh lại thì đã thấy nằm trong bệnh viện rồi".

Qua tìm hiểu của PV, 6 công nhân bị nạn trên đều là lao động phổ thông người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, kiến thức về an toàn lao động, bảo hộ lao động của những lao động "tay ngang" hoàn toàn yếu.

Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường vào sáng 26-5.

Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường vào sáng 26-5.

Nhiều "cái bẫy" chực chờ

Có mặt tại hiện trường và tiếp cận khu vực 6 công nhân bị nạn, chúng tôi không khỏi rùng mình khi phải đi ngang qua thân đập bê tông có bề ngang 1m. Dù khu vực này đã dừng thi công nhưng qua tìm hiểu thì đây cũng là con đường mà công nhân đi bộ ra khu vực cửa xả hàng ngày để làm việc. Dù chênh vênh khi độ cao của thân đập cách mặt đất 15-20m nhưng không hề có một biện pháp bảo hộ lao động nào. Tại trước thân đập, đơn vị thi công cũng chỉ cắm biển cảnh báo: "Nguy hiểm - Té ngã" đã xiêu vẹo trên mặt đất.

Trong khi đó, tại khu vực bên trên cụm đầu mối cửa xả và cửa nhận nước có độ cao lớn nhưng chỉ được bảo vệ bằng lan can là những thanh sắt hàn sơ sài. Thậm chí chỗ có, chỗ không. Theo chỉ dẫn của đại diện đơn vị thi công, chúng tôi có mặt tại khu vực mà theo báo cáo của Cty là nơi các công nhân đã ngã. Tại đây cũng không hề có một biện pháp bảo vệ nào. Chưa kể, xung quanh là dây điện và những cây sắt thừa trở thành "cái bẫy", chỉ cần một chút sơ sẩy vấp chân thì tai nạn đáng tiếc xảy ra bất cứ lúc nào.

Chiều 26-5, trao đổi với P.V, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết: Qua báo cáo của đơn vị chủ đầu tư và những gì chúng tôi nắm được thì có điểm sai khớp về nguyên nhân xảy ra sự việc chết người. Chính vì vậy, hiện Sở Công thương đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc nhằm xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế giao trách nhiệm cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho 3 nạn nhân bị thương. Chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB&XH thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xem xét nguyên nhân vụ việc, xác định rõ sự việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị nạn. Sau khi các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc, Sở Công thương sẽ có tham mưu cho UBND tỉnh xem xét dừng hoặc cho tiếp tục thi công công trình trên.

Minh Tân

>> Tai nạn lao động, 6 người thương vong

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_225467_vu-tai-nan-lao-dong-khien-6-cong-nhan-thuy-dien-th.aspx