Vụ sập giàn giáo khiến 2 người chết: Xử lý trách nhiệm đơn vị nào cho đúng?

Trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng dẫn tới 2 người chết, 4 người bị thương.

Liên quan đến vụ sập giàn giáo xây dựng ở phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến 2 công nhân tử vong và 4 người bị thương nhẹ, PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LS Hà Nội, để hiểu rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan.

Khu vực hiện trường xảy ra vụ việc.

Luật sư Anh Thơm nhận định: “Tình trạng mất an toàn lao động trong các công trường xây dựng đang ngày càng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Để ngăn ngừa các sự cố tai nạn lao động trong quá trình thi công thì việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn từ khâu thiết kế, lắp đặt đến thi công phải được thực hiện nghiêm ngặt theo qui định.

Còn với vụ tai nạn sáng 13/10 tại Hoàng Mai khiến 2 người chết, 4 người bị thương, trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng.

Trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn là do Người giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Hành vi của người giám sát có dấu hiệu tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 227 BLHS”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Infonet.

Còn nói về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nói trên, luật sư Anh Thơm cho rằng: “Khó có căn cứ để xác định trách nhiệm chủ đầu tư. Việc đảm bảo an toàn lao động đã được chủ đầu tư thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn trong khi thi công.

Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình. Cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, luật Anh Thơm cũng nhận định: “Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng.

Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị giám sát.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công cần thiết phải hỗ trợ cho các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động”.

Theo luật sư Anh Thơm, Điều 227 có quy định tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Sông Mã

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-sap-gian-giao-khien-2-nguoi-chet-xu-ly-trach-nhiem-don-vi-nao-cho-dung-post211379.info