Vụ sập cầu ở Mỹ gây thiệt hại kinh tế lớn như thế nào?

Thiệt hại đặc biệt lớn có thể sẽ rơi vào các công ty bảo hiểm, với số tiền bảo hiểm phải chi trả có thể lên tới hàng tỷ USD...

Cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Mỹ bị sập vì một tàu chở hàng đâm phải - Ảnh: Bloomberg.

Vụ sập cây cầu Francis Scott Key ở bang Maryland của Mỹ vào tuần vừa rồi đã gây ngưng trệ giao thông ở cảng Baltimore, một trong những hải cảng đông đúc nhất ở Mỹ. Tình trạng gián đoạn vô thời hạn này được dự báo sẽ gây ra tổn thất nhiều tỷ USD đối với các hãng vận tải biển, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp có hàng hóa cần vận chuyển và cả người tiêu dùng.

Khai trương năm 1977, Francis Scott Key là cây cầu thép nối hai bờ sông Patapsco ngay lối vào cảng Baltimore. Cầu này đã đổ sập vào hôm thứ Ba tuần trước khi bị một con tàu chở hàng có tên Dali mang cờ Singapore đang trên hành trình tới Sri Lanka đâm phải.

Sự cố nghiêm trọng này đã làm tê liệt cảng Baltimore, hải cảng lớn thứ 9 ở Mỹ xét về khối lượng hàng hóa trung chuyển. Năm 2023, cảng này là nơi trung chuyển khoảng 50 triệu tấn hàng hóa với tổng trị giá 80 tỷ USD giữa Mỹ và các quốc gia khác, phần lớn là hàng nhập khẩu vào Mỹ. Riêng về mặt hàng ô tô, có gần 850.000 chiếc ô tô được trung chuyển qua cảng Baltimore trong năm ngoái - nhiều hơn bất kỳ hải cảng nào khác ở Mỹ.

Có hơn 50 công ty vận tải biển và công ty tàu lữ hành có hoạt động tại cảng Baltimore với tổng số lượt tàu của các doanh nghiệp này ra vào cảng vào khoảng 1.800 lượt mỗi năm.

Với tầm quan trọng lớn như vậy của cảng Baltimore, giới chức bang Maryland ước tính mỗi ngày nền kinh tế của bang này thiệt hại 15 triệu USD vì vụ sập cầu. Ngoài ra, 15.000 công việc trực tiếp tại cảng và 140.000 công việc gián tiếp khác phụ thuộc vào cảng Baltimore bị ảnh hưởng.

Thiệt hại đặc biệt lớn có thể sẽ rơi vào các công ty bảo hiểm. Tuần trước, hãng tin Bloomberg ước tính các công ty bảo hiểm có thể phải chi trả số tiền bảo hiểm lên tới 3 tỷ USD trong vụ này.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, ông Bruce Carnegie-Brown, Chủ tịch thị trường bảo hiểm Lloyd’s ở London, nói rằng vụ sập cầu ở Baltimore có thể dẫn tới “thiệt hại nhiều tỷ USD đối với các hãng bảo hiểm” và có thể trở thành “vụ tổn thất bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng hải”.

Theo dự báo của công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward, các chuyến tàu chở hàng tới cảng Baltimore sẽ phải hoãn ít nhất 24 ngày vì sự cố sập cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của gián đoạn này đối với lưu thông hàng hóa trong ngắn hạn có thể được kiểm soát, vì cảng Baltimore chỉ chiếm khoảng 4% khối lượng hàng hóa thương mại ở khu vực Bờ Đông của Mỹ - theo dữ liệu của công ty phân tích S&P Global.

Hiện tại, các con tàu lẽ ra vào cảng Baltimore đang phải neo đậu ngoài cảng và chờ chuyển hướng tới các hải cảng khác ở Bờ Đông. Các cảng ở Philadelphia, Wilmington, Newark, Norfolk, Charleston, Jacksonville… có thể sẽ phải đón lượng hàng hóa vào cảng gia tăng.

Các chuyên gia về chuỗi cung ứng nói rằng hạ tầng hải cảng của Mỹ hiện nay đã tốt hơn so với hồi năm 2021-2022, khi các cảng thiếu nhân viên nghiêm trọng trong lúc phải đương đầu với lượng lớn tàu bè và hàng hóa dồn ứ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự tắc nghẽn trong đại dịch đã khiến hàng hóa tăng vọt, nhưng các chuyên gia cho rằng vụ sập cầu ở Baltimore sẽ không dẫn tới ảnh hưởng tương tự trên diện rộng.

Sự cố này “là một lời nhắc nhở nữa về tính chất dễ tổn thương của Mỹ trước các cú sốc chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vụ sập cầu sẽ có ảnh hưởng kinh tế đến địa phương Baltimore nhiều hơn là phạm vi toàn quốc. Chúng tôi không cho rằng gián đoạn về giao thông hay thương mại do sự cố này sẽ được thể hiện rõ trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ảnh hưởng đối với lạm phát cũng chỉ ở mức tối thiểu”, nhà kinh tế trưởng Ryan Sweet của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhận định trong một báo cáo.

Theo hãng tin AP, chi phí xây dựng lại cầu Francis Scott Key Bridge sẽ ao động từ 400 triệu USD đến 1 tỷ USD, và thời gian để hoàn tất công trình sẽ mất từ 18 tháng đến vài năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chính phủ liên bang sẽ chi trả cho việc xây lại cây cầu, nhưng giới chuyên gia cho rằng chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho điều này.

Vụ sập cầu ở Baltimore là một trở ngại nữa đối với lĩnh vực vận tải biển toàn cầu, xảy ra đúng vào lúc giao thông qua kênh đào Suez - tuyến đường vốn có khoảng 15% hàng hóa vận tải đường biển toàn cầu đi qua - giảm sút vì các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ. Ngoài ra, kênh đào Panama - nơi có 6% lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu đi qua - rơi vào tình trạng mực nước xuống thấp vì hạn hán, khiến công suất và số lượng tàu bè có thể đi qua giảm sút nghiêm trọng.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-sap-cau-o-my-gay-thiet-hai-kinh-te-lon-nhu-the-nao.htm