Vụ Phó giáo sư bán 'chất xám' mưu sinh: Cần nhìn theo hướng tích cực, cho trí thức phát triển

Bàn luận quanh việc nhà khoa học bán 'chất xám' để mưu sinh, nhiều ý kiến cho rằng cần cơ chế để nhà khoa học sống được bằng những cống hiến của mình.

Những ngày qua, cộng đồng khoa học xôn xao việc PGS.TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia), nộp đơn xin rút khỏi hội đồng này vì bị tố vi phạm liêm chính học thuật.

Ông Hướng công tác tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh từ tháng 3/2023. Trước đó, ông là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu Google scholar (học giả Google), PGS Đinh Công Hướng có trên 80 bài báo khoa học công bố quốc tế từ năm 2004.

Bài toán nghiên cứu khoa học đặt ra đối với các trường Đại học trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội toán học Hoa Kỳ, ông Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong số này có 13 công trình ghi địa chỉ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 4 công trình ghi địa chỉ Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Liên quan đến sự việc từng bán nhiều bài nghiên cứu gây xôn xao những ngày qua, tác giả PGS.TS Đinh Công Hướng trải lòng rằng, bản thân ông liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường. Và vì điều kiện kinh tế gia đình, ông phải bán “chất xám” mong cải thiện đời sống.

PGS Hướng cũng thừa nhận sự việc, giải thích đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường nói trên. Lý do là vì Đại học Quy Nhơn không cấm việc này nếu giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông cũng cho biết, không sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của trường Đại học Quy Nhơn để thực hiện đề tài nghiên cứu cho đơn vị khác.

Vậy có chăng, ông vi phạm là vì không xin phép nhà trường? Xác nhận về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, trường quản lý giảng viên theo quy định của Luật Viên chức. Họ được phép ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm, nhưng phải được người đứng đầu đơn vị đồng ý. Và theo lãnh đạo nhà trường, PGS Hướng thực hiện nghiên cứu khoa học cho những đơn vị khác nhưng không báo cáo với người đứng đầu.

Song nhà trường cũng nhìn nhận, trường hợp của PGS Hướng là rất đáng tiếc nhưng cũng cần nhìn theo chiều hướng tích cực, cho trí thức có điều kiện phát triển. Và có lẽ, sau việc này, trường cần cân nhắc những quy định cụ thể hơn trong quản lý đội ngũ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi bàn đến chuyện lên án, cần chiếu theo các quy định làm việc nơi ông Hướng công tác. Thêm nữa, điều quan trọng hơn hết chính là các quy định cần rõ ràng. Đặc biệt, nên có luật để các nhà khoa học được "bán" chất xám của mình cho nơi cần một cách chân chính, miễn là nhà khoa học đó đóng thuế đầy đủ và dùng chính một phần thu nhập chân chính đó tái đầu tư cho nghiên cứu.

Cũng theo ông Hướng, khi ký hợp đồng làm việc tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, quá trình hợp tác đã quy định rất rõ ràng và chế tài về việc giảng viên cơ hữu của trường không được đứng tên, địa chỉ cơ sở giáo dục ngoài đơn vị cơ hữu và có chế tài xử lý rất nghiêm khắc. Ông Hướng cũng cho rằng, nhà trường đã có cơ chế đãi ngộ phù hợp với các quy định chặt chẽ khiến PGS yên tâm hơn trong công tác và toàn tâm toàn ý để phục sự trường.

Câu chuyện lùm xùm về việc nhà khoa học bán nghiên cứu khoa học để “kiếm sống” vẫn chưa có hồi kết, các cơ quan chức năng vẫn chưa lên tiếng. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, về vấn đề này, cần suy xét cẩn trọng và đưa ra phương hướng xử lý thích đáng. Không nên chỉ vì những quy định cứng nhắc mà "đì" một nhà khoa học giỏi chỉ vì một sơ suất nhỏ.

Về vấn đề này, TS Phạm Đình Nguyên - Giám đốc điều hành Quỹ Nafosted (đơn vị nhận đơn xin rút khỏi hội đồng ngành toán của PGS.TS Đinh Công Hướng) cho biết, quỹ sẽ rất thận trọng, họp hội đồng khoa học ngành toán để lấy ý kiến các nhà khoa học trước khi có quyết định phù hợp.

Nhìn nhận về sự việc này, PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, nhân tài là nguồn lực quyết định tiềm lực và sức mạnh của quốc gia. Do đó, theo bà An, cơ chế đãi ngộ với nhân tài rất quan trọng. Và cần quy định rõ, tài sản trí tuệ lại mang tính cá nhân, ai có trí tuệ được quyền sử dụng tài sản của họ. Họ dùng tài sản, "chất xám" đó để tạo nên thu nhập một cách chính đáng thì không có gì sai. Song, cần gắn chặt chẽ với các quy định nơi sở hữu người lao động cơ hữu.

Bên cạnh đó, bà An chỉ ra, cần trả lời câu hỏi trước khi bán các công trình nghiên cứu này cho các đơn vị khác, nhà khoa học có biết mục đích đăng bài sẽ giúp trường "đánh bóng" thương hiệu hay không? Nếu biết mà cố tình làm là điều không nên. Bởi đó chính là "tiếp tay" cho hành vi không chân chính của một trường đại học. Về việc này, các cơ quan chức năng cần làm rõ.

PGS.TS. Bùi Thị An góp ý, để nhà khoa học không phải "bán" chất xám, cần nâng cao năng lực quản trị của tổ chức vì mọi quyền lợi xuất phát từ đây. Bên cạnh đó, là cơ chế kiểm tra, giám sát các hoạt động học thuật, phân quyền cho các tổ bộ môn kiểm tra, giám sát các hoạt động khoa học và công nghệ liên quan để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

Và hơn hết, cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để không “chảy máu” chất xám. Bởi bên cạnh mục đích nghiên cứu, đem lại những giá trị mới cho cuộc sống, những nhà khoa học cũng cần thêm thu nhập, cần được đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy năng lực chuyên môn, phát huy sự sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-pho-giao-su-ban-chat-xam-muu-sinh-can-nhin-theo-huong-tich-cuc-cho-tri-thuc-phat-trien-284246.html