Vụ 'Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn' do Báo BVPL lật tẩy: Đây là vụ án rất nghiêm trọng

Với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép lên đến 170 m3, vụ án 'Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản', xảy ra tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn được đánh giá là vụ án rất nghiêm trọng, khung hình phạt được áp dụng là khoản 3 của điều luật.

Liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn xảy ra tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn mà Bảo vệ pháp luật đã có loạt bài phản ánh hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, ngày 19/4/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đến nay đã 4 tháng trôi qua, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ!

Xưởng cưa xẻ để chế biến gỗ trái phép được đặt ngay gần nhà máy luyện chì.

Ngày 15/8, trao đổi với PV Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Cao Thắng - Viện trưởng VKSND huyện Chợ Đồn cho biết: “Đây là vụ án rất nghiêm trọng, khối lượng gỗ bị khai thác trái phép lên tới 170 m3, khung hình phạt được áp dụng là khoản 3 của điều luật nên thời hạn điều tra của vụ án này là 4 tháng. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án mà thời hạn điều tra sắp hết nên vừa qua, Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra và đơn vị đã gia hạn thêm 4 tháng”.

“Đối với vụ án này, VKSND huyện Chợ Đồn đã cử 2 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra. Trong đó, trực tiếp tôi là Kiểm sát viên chính. Vì theo quy định của ngành, đối với những vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm thì lãnh đạo phải trực tiếp thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra vụ án”, ông Nguyễn Cao Thắng cho biết thêm.

Gỗ được các đối tượng vận chuyển về bãi tập kết để xung quanh khu vực xưởng cưa xẻ.

Như Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, gần 3 hec-ta rừng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn bị hủy hoại có liên quan trực tiếp đến bà Vũ Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, đồng thời là Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam - doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Với 300 cây gỗ tự nhiên từ nhóm 4 đến nhóm 8 bị chặt hạ trái phép, khối lượng gỗ lên tới hơn 170 m3, nhiều người dân cho biết, đây là vụ phá rừng có quy mô lớn nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tính trong khoảng 20 năm trở lại đây.

Những cây gỗ bị chặt hạ trái phép còn tươi rói nằm ngổn ngang trong rừng.

Khu vực rừng bị phá được cơ quan chức năng xác định tại vị trí các lô: 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 189, được quy hoạch là rừng sản xuất, trạng thái rừng tự nhiên, nằm giáp với nhà máy luyện chì của Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam. Từ năm 2016 - 2018, bà Vũ Thị Hằng đã mua những lô rừng trên của các hộ dân ở xã Ngọc Phái và đã được cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn làm thủ tục chuyển nhượng.

Một số người dân cho hay, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng như nêu ở trên là bắt nguồn từ việc bà Hằng mua đất rừng của các hộ dân nhưng với mục đích không phải để quản lý, bảo vệ nhằm phát triển kinh tế rừng mà bà Hằng mua đất rừng là nhằm mục đích để mở rộng nhà máy chế biến khoáng sản. Các lô rừng bà Hằng mua được quy hoạch là rừng sản xuất, trạng thái thực tế là rừng tự nhiên. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên (ngày 1/11/1017) thì việc muốn khai thác 1 cây gỗ tự nhiên cũng phải xin ý kiến và phải được sự đồng ý Thủ tướng Chính phủ.

Con đường duy nhất để vào khu rừng bị chặt phá trái phép là đi qua Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam - "lãnh địa" luôn được bảo vệ nghiêm ngặt ngay từ ngoài cổng.

Cũng theo một số người dân, bà Hằng đã ngầm chỉ đạo, thuê người chặt hạ các cây gỗ tự nhiên nhưng mục đích chính không phải là để lấy gỗ, vì tuy khối lượng gỗ bị chặt hạ lên tới hơn 170 m3 nhưng toàn là gỗ từ nhóm 4 đến nhóm 8, không có giá trị kinh tế cao. Nếu vụ việc trót lọt, kể cả có bán hết số gỗ này cũng chỉ thu được vài trăm triệu thì số tiền này quá nhỏ bé đối với bà Hằng. Ở đây, mục đích chính của bà Hằng là sau khi chặt hạ hết các cây gỗ tự nhiên, sẽ làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất sản xuất kinh doanh để xây dựng thêm nhà máy chế biến khoáng sản. Khi đó, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn sẽ vào kiểm tra thực địa, ghi nhận trên đất rừng không còn cây gỗ tự nhiên nào thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của mà Hằng sẽ rất dễ dàng; còn nếu để trên đất rừng còn các cây gỗ tự nhiên thì bà Hằng sẽ không bao giờ chuyển đổi được, vì thẩm quyền không còn là của tỉnh Bắc Kạn nữa.

Tang vật của vụ án được thu giữ để tại kho vật chứng của Hạt kiểm lâm Chợ Đồn.

Trao đổi với PV Bảo vệ pháp luật, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn Bàn Văn Thạch cho biết: “Đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng, được dư luận và nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngay khi phát hiện vụ việc, VKSND tỉnh đã yêu cầu VKSND huyện Chợ Đồn báo cáo”. “Qua báo cáo của VKSND huyện Chợ Đồn, tôi thấy có một điều rất vô lý rằng, vụ việc xảy ra ngay trong công ty của anh (lãnh đạo Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam - PV), rừng do anh quản lý; xưởng cưa xẻ được lắp đặt ngay trong công ty; hàng chục người ra vào công ty để khai thác gỗ trái phép trong một thời gian dài; tiếng cưa máy đứng cách xa hàng km vẫn nghe thấy, gỗ được vận chuyển về xưởng xẻ để ngổn ngang trong công ty,… vậy mà anh lại nói là anh không biết thì quả thật vô lý”, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn thắc mắc.

“Tôi đã yêu cầu VKSND huyện Chợ Đồn phải xác minh làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo công ty trong vụ án này. Vi phạm xảy ra ngay trong công ty của anh mà anh lại nói là không biết thì quả thật là vô lý”, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/vu-pha-rung-tu-nhien-o-bac-kan-do-bao-bvpl-lat-tay-day-la-vu-an-rat-nghiem-trong-144697.html