Vụ nổ pháo khiến hai người chết ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Xử lý về tội gì?

Chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Linh không chỉ là sản xuất pháo nổ trái phép mà còn là vô ý xâm phạm đến tính mạng của người khác, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.

Chân dung đối tượng Nguyễn Văn Linh và hiện trường vụ nổ pháo khiến hai người tử vong ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: CQCA cung cấp

Xác định nguyên nhân vụ nổ pháo

UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, CQCA xác định nguyên nhân vụ nổ khiến ba người thương vong là do sản xuất pháo nổ trái phép. Liên quan tới sự việc này, CQ CSĐT Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tạm giữ Nguyễn Văn Linh (SN 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) để phụ vụ công tác điều tra.

Làm việc với Công an, bước đầu Nguyễn Văn Linh khai nhận, giữa tháng 11/2023, Linh dã thuê nhà của anh Trần Văn Chính (SN 1987, trú tại xóm Tây Thổ, xã Văn Hải) để ở. Qua mạng xã hội, Linh đã đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời.

Sau đó, Linh thuê chị Mai Thị X. (SN 1993, ở khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) và chị Lương Thị G. (SN 1995, trú tại xóm An Hải, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) để lắp ráp ngòi nổ, đóng gói đơn hàng cho khách.

Vào khoảng 17h ngày 7/12, Linh đang làm việc trong phòng ngủ thì nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ gian bếp. Lúc này, Linh chạy ra ngoài thì phát hiện chị X. và chị G. đã tử vong. Còn cháu Phan Đại P. (SN 2019, con trai của chị G.) đang ở hiện trường và bị xây xát nhẹ. Nguyên nhân vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, sản xuất pháo nổ trái phép dẫn đến hậu quả tai nạn nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” với chế tài nghiêm khắc.

Luật sư Thái dẫn chứng, từ ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Đến nay, Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định 137/2020-NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan vẫn quy định cấm cá nhân công dân sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ.

Bởi vậy mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đều là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả, người thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, CQĐT sẽ làm rõ hành vi sản xuất pháo nổ được thực hiện như thế nào, trọng lượng của pháo sản xuất là bao nhiêu để có thể xem xét xử lý về tội sản xuất hàng cấm. Nếu sản xuất từ 6kg trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190, BLHS năm 2015. Tội danh này xử lý đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Với cá nhân thì mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Còn đối với hành vi sản xuất pháo dẫn đến tai nạn chết người, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết” người theo quy định tại Điều 128, BLHS năm 2015. Nguyên nhân bước đầu cơ quan chức năng xác định vụ nổ là do sản xuất pháo, đây là hành vi trái phép dẫn đến thiệt mạng người khác. Bởi vậy cả hai hành vi này đều phải bị xem xét xử lý bằng chế tài hình sự.

Vô ý làm chết người?

Theo luật sư Thái, tùy vào hành vi và tình tiết cụ thể mà CQĐT xử lý người này về hai tội danh là tội “Sản xuất, mua bán hàng cấm” và tội “Vô ý làm chết người” hoặc cũng có thể xử lý người mua bán trái phép vật liệu nổ về 1 tội danh là tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại Điều 305, BLHS năm 2015.

Trong vụ việc này, hậu quả, nhận thức của người vi phạm và số lượng vật liệu nổ (trọng lượng pháo) là những yếu tố quyết định đến việc xử lý người sản xuất pháo trái phép này về tội danh gì (tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” và tội “Vô ý làm chết người” hay tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”).

Việc xử lý về tội danh gì sẽ căn cứ vào kết quả xác minh trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm. Về nguyên tắc là mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, hành vi vi phạm pháp luật có thể là tình tiết định tội, tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng.

Bởi vậy, quá trình điều tra vụ án này, trên cơ sở kết quả điều tra thì hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu của các tội độc lập thì sẽ xử lý về tội danh độc lập. Hành vi nào có thể sử dụng làm tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì có thể xem xét áp dụng tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Luật sư Thái cũng cho biết, đây là vụ việc phức tạp, có liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội nên CQĐT sẽ sớm làm rõ các tình tiết của vụ án này, làm rõ người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, đánh giá hậu quả gây ra đối với nạn nhân và xã hội thì CQĐT sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người vi phạm.

Luật sư Thái nhấn mạnh, hành vi vi phạm không chỉ là sản xuất pháo nổ trái phép mà còn là vô ý xâm phạm đến tính mạng của người khác, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội nên việc xử lý đối tượng vi phạm này sẽ thể hiện tính chất răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với lĩnh vực sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ, pháo nổ vào thời điểm cận Tết như hiện nay.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-no-phao-khien-hai-nguoi-chet-o-huyen-kim-son-tinh-ninh-binh-xu-ly-ve-toi-gi-363254.html