Vụ 'nghe trộm thế kỷ' của Mỹ với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh

Làm thế nào để một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, tìm và đặt được thiết bị nghe trộm vào hệ thống cáp thông tin ngầm dưới biển của Liên Xô? Đây được đánh giá là vụ 'nghe trộm thế kỷ' của Mỹ với Liên Xô.

Một trong những căn cứ hải quân quan trọng của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, nằm trên bán đảo Kamchatka, thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Bán đảo tiếp giáp với Biển Okhotsk, một vịnh lớn ở phía tây Kamchatka và phía đông bắc Nhật Bản.

Mặc dù ở rất xa Moscow, căn cứ hải quân ở Bán đảo Kamchatka, được kết nối với một căn cứ hải quân khác tại Vladivostok (gần biên giới giữa Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên) bằng một đường cáp thông tin dưới nước, và được sử dụng rất nhiều, để liên lạc với nhau; đồng thời kết nối Kamchatka với Moscow.

Một nhiệm vụ được đặt ra là, tình báo Mỹ có thể thu thập được nhiều thông tin từ việc nghe trộm từ đường cáp Kamchatka-Vladivostok; tuy nhiên sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận đường cáp, vì phần lớn tuyến cáp chạy qua Biển Okhotsk, một vịnh được bảo vệ nghiêm ngặt, mà Liên Xô coi là một phần lãnh hải của họ.

Tại Biển Okhotsk, Hải quân Liên Xô bố trí rất nhiều chướng ngại vật chống tàu ngầm và các thiết bị âm thanh (sonar), để theo dõi giao thông trên mặt nước và dưới nước. Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với tình báo Mỹ, nhưng nếu thành công, sẽ có giá trị vô cùng lớn.

Không phải bất kỳ tàu ngầm nào của Hải quân Mỹ cũng có thể tiếp cận vào đường cáp trên; vì muốn tiếp cận, cần phải có một tàu phụ đặc biệt. Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ USS Halibut, được chọn cho nhiệm vụ này.

USS Halibut tiền thân là tàu ngầm mang tên lửa tầm xa đầu tiên của Hải quân Mỹ, được chế tạo để mang tên lửa hành trình Regulus II. Sau đó Halibut được cải tạo thành tàu ngầm gián điệp và đã thực hiện một số nhiệm vụ tuyệt mật nhất, trong toàn bộ Chiến tranh Lạnh.

Để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt là tàu ngầm gián điệp, Halibut được trang bị phòng tối chụp ảnh, các cửa sập để thợ lặn vào và ra khỏi tàu, khi tàu đang lặn sâu và các động cơ đẩy, để giúp tàu duy trì vị trí cố định, mà không bị trôi bởi các dòng hải lưu.

Sửa đổi quan trọng nhất của Halibut, là tàu được thiết kế lại với đủ không gian, để chứa hai phương tiện vận hành từ xa (ROV), có biệt danh là “Fish”, có chiều dài 3,7m và được trang bị hàng loạt máy ảnh và thiết bị trợ giúp. Fish có thể tìm kiếm các vật thể ở độ sâu lên đến 7.500m.

Các ROV có thể được phóng đi từ khoang chứa tên lửa của tàu ngầm trước đây, nhưng đã được cải tiến và có biệt danh là “Hang Dơi”. Một máy tính mainframe 24 bit, rất hiện đại vào thời điểm đó, đã phân tích dữ liệu cảm biến từ Fish.

Vào giữa tháng 7/1968, tàu Halibut đã thực hiện thành công một nhiệm vụ tối mật, nhằm trục vớt xác chiếc tàu ngầm K-129 của Liên Xô. K-129 là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Golf II, đã bị chìm vào tháng 3/1968, cách ngoài khơi bờ biển Hawaii khoảng 1.600 hải lý.

Mặc dù người Mỹ biết đường cáp Kamchatka-Vladivostok tồn tại, nhưng họ không biết vị trí chính xác ở đâu. Việc tìm kiếm một sợi cáp mảnh mai dưới đáy biển, sẽ giống như mò kim đáy bể và hết sức nguy hiểm.

Tuy nhiên tình báo Mỹ đã phát hiện ra đầu đường dây cáp từ trên bờ, nhờ vào các biển báo được treo trên bờ, nơi dây cáp rời khỏi biển; những cảnh báo ngư dân và thuyền bè không thả neo, hoặc lưới của họ trong khu vực được chỉ dẫn, bởi có thể làm hư hại dây cáp.

Chiến dịch đặt thiết bị nghe trộm của tình báo Mỹ vào đường cáp ngầm của Liên Xô, có tên gọi là Chiến dịch Ivy Bells được tiến hành vào năm 1970. Do tính chất tối mật của Chiến dịch Ivy Bells, nên hầu như tất cả thủy thủ đoàn của Halibut, không hề biết bản chất thực sự của nhiệm vụ, đặt thiết bị gần đường cáp để làm gì.

Để bảo vệ bí mật của nhiệm vụ, thủy thủ đoàn của tàu Halibut được thông báo rằng, họ sẽ có nhiệm vụ, cố gắng thu hồi một tên lửa tầm xa của Liên Xô; nhưng trên thực tế, đây chỉ là mục tiêu phụ của nhiệm vụ.

Một trong những thách thức kỹ thuật, là nghe trộm được thông tin truyền qua đường cáp, mà không cần cắt vào cáp. Vì nếu cắt cáp, có thể gây ra đoản mạch và cảnh báo cho phía Liên Xô rằng, có điều gì đó đang xảy ra.

Vì vậy, tình báo Mỹ thay vì cắt vào dây cáp, họ đã bố trí một thiết bị nghe trộm cực kỳ hiện đại, có thể lấy thông tin trong đường cáp, bằng một thiết bị quấn quanh đường cáp thông tin của Liên Xô

Lần đặt thiết bị đầu tiên, phía Mỹ đã thu thập thông tin thành công; nhưng không phải ở dạng hoàn hảo. Đường cáp có khoảng một chục đường dây khác nhau, tất cả đều nói chuyện cùng một lúc. Việc tách các giọng nói, từ từng đường cáp, thành các kênh âm thanh khác nhau, đã được thực hiện trong các lần tiếp theo của tàu ngầm Halibut.

Cuối cùng thì Chiến dịch Ivy Bells đã thành công rực rỡ, mười hai hoặc nhiều dòng âm thanh khác nhau, có thể được tách biệt. Do Liên Xô tin tưởng rằng, đường dây an toàn, nên tất cả các thông tin liên lạc, đi qua đường dây này, ít khi được mã hóa.

Vụ “nghe trộm thế kỷ” của Mỹ cuối cùng đã bị phát hiện, không phải do Liên Xô phát hiện, mà vào năm 1980, một cựu chuyên viên phân tích tình báo của NSA, đã tiếp cận Đại sứ quán Liên Xô ở Thủ đô Washington DC và tiết lộ sự tồn tại, của hệ thống nghe trộm tuyến Kamchatka-Vladivostok, nên kết thúc quá trình hoạt động gần mười năm của nó. Nguồn ảnh: Warhistory.

Khủng hoảng kênh đào Suez qua những thước phim cực kỳ quý hiếm. Nguồn: Thearchive.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/vu-nghe-trom-the-ky-cua-my-voi-lien-xo-thoi-chien-tranh-lanh-1554455.html