Vụ mùa 2023, Bắc Giang phấn đấu gieo trồng khoảng 63.000 ha

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023.

Áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

Áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

Theo đó, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa 2023 là 63.000 ha, trong đó, cây lúa 49.300 ha, năng suất 56,6 tạ/ha, sản lượng 279.160 tấn (lúa chất lượng diện tích 22.800 ha, sản lượng 137.940 tấn); cây ngô 2.750 ha, năng suất 44,8 tạ/ha, sản lượng 12.320 tấn; cây lạc 1.300 ha, năng suất 26,1 tạ/ha, sản lượng 3.390 tấn; rau các loại 6.280 ha (trong đó rau an toàn 2.000 ha, rau chế biến 260 ha). Các loại cây trồng khác là 3.370 ha bao gồm: Khoai lang, đậu các loại, cây dược liệu, cây thức ăn gia súc, hoa, cây cảnh…

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang, thời tiết năm 2023 có khả năng diễn biến rất phức tạp. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch gieo trồng sát với tình hình thực tế của các địa phương. Lựa chọn bộ giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện ở địa phương; hạn chế sử dụng các giống lúa nhiễm bạc lá trong vụ mùa.

Cụ thể, đối với trà lúa mùa sớm, thời gian gieo mạ từ ngày 10 - 20/6, cấy kết thúc trước ngày 10/7. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày: KD18, BC 15, TBR225, Bắc thơm 7...

Trà lúa mùa trung, thời gian gieo mạ từ ngày 30/6 - 10/7, cấy xong trước ngày 30/7. Sử dụng các giống lúa chủ lực như: KD18, BC 15, TBR225, Bắc thơm 7; VNR 20... Ngoài ra tùy đặc điểm sản xuất của các địa phương có thể sử dụng các giống như: Đài thơm 8, TH8, BC15 kháng đạo ôn, các giống lúa Nhật...

Trà lúa mùa muộn thời gian gieo mạ từ ngày 10 - 20/7, cấy từ 30/7 kết thúc trước ngày 30/8. Sử dụng các giống như: Bao thai lùn, nếp cái hoa vàng...

Ngoài các giống chủ lực trên, các huyện, thành phố có thể lựa chọn các giống lúa năng suất, chất lượng khác và phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương.

Đối với cây lạc trồng từ 10/7 - 10/8, sử dụng các giống chủ lực có năng suất, chất lượng tốt như: L14, L18, L26, L20...

Rau các loại tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương để chỉ đạo cơ cấu mùa vụ cây rau màu cho phù hợp nhằm sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gieo trồng tập trung từ 15/7 đến ngày 25/8.

Riêng những diện tích dự kiến sản xuất cây vụ Đông sớm cho giá trị cao, cần chỉ đạo bố trí thời vụ gieo mạ trà mùa sớm cho phù hợp điều kiện canh tác của từng địa phương, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, gieo mạ khay, mạ ném, gieo sạ, mạ dày xúc, cấy sớm khi mạ đủ tuổi để lúa thu hoạch trước ngày 30/9. Kịp thời trồng các cây vụ Đông sớm như: Lạc, ngô, một số rau thời vụ sớm.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tập trung sản xuất thành vùng với quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, đồng bộ và tập trung các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nhằm giảm công lao động, kiểm soát tốt dịch hại góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Bố trí chân đất và cơ cấu cây trồng hợp lý; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đặc biệt là các vùng sản xuất rau tập trung, chuyên canh. Sản xuất vụ mùa thường gặp điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường nên trong chỉ đạo sản xuất cần chủ động các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu vụ để hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/404867/vu-mua-2023-bac-giang-phan-dau-gieo-trong-khoang-63-000-ha.html