Vụ Lưu Thiên Hương tranh luận với giảng viên: Thấy gì từ hành động giơ điện thoại lên quay?

Thời gian vừa qua, showbiz Việt nhiều lần nổi sóng khi các nghệ sĩ đăng bài tố nhau trên mạng xã hội. Gần đây nhất là vụ việc Lưu Thiên Hương tố đồng nghiệp là giảng viên Nhạc viện TPHCM ném điện thoại.

Từ giơ điện thoại lên quay đến bị ném điện thoại

Ngày 12/1, Lưu Thiên Hương đăng tải video kèm bài viết tố bị đồng nghiệp là NSƯT Võ Thị Minh Huyền - giảng viên Nhạc viện TPHCM - ném điện thoại. Sự việc ngay lập tức khiến giới giải trí dậy sóng.

Nhiều người lên án hành vi của nghệ sĩ Minh Huyền, thậm chí có ý kiến đề xuất nên tước danh hiệu NSƯT. Sức ép từ dư luận khiến Nhạc viện TPHCM họp khẩn và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật khiển trách với NSƯT Minh Huyền và yêu cầu cô xin lỗi Lưu Thiên Hương.

Lưu Thiên Hương quay và phát tán trái phép hình ảnh nghệ sĩ Minh Huyền?

Tuy nhiên, nghệ sĩ Minh Huyền tuyên bố cô không xin lỗi Lưu Thiên Hương. Đây cũng là phát ngôn duy nhất của nữ nghệ sĩ từ khi xảy ra sự việc.

Có người đặt câu hỏi về sự im lặng đến kinh ngạc của NSƯT Minh Huyền. Cô không giải thích cũng không bàn luận hay có động thái nào bảo vệ bản thân và danh tiếng của mình dù Lưu Thiên Hương có những chia sẻ rất dài.

Lưu Thiên Hương cho rằng hành vi trong clip của nghệ sĩ Minh Huyền xuất phát từ mâu thuẫn về chuyên môn nghiệp vụ. “Tôi rất buồn khi phải đăng tải clip xấu này vì biết nó sẽ ảnh hưởng lớn đến góc nhìn về môi trường đào tạo âm nhạc chính quy. Tôi đã phải lập tức ngừng giảng dạy ở đây vì một giảng viên có hành vi bạo lực nơi học đường, vi phạm đạo đức nghề giáo nghiêm trọng”, cô viết.

Lưu Thiên Hương cũng khẳng định cô vô cùng lên án hành động này của một giảng viên dạy nghệ thuật. “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh để không làm ảnh hưởng tới môi trường mà bao con người đang cất công xây dựng đó là các thầy cô vô cùng tâm huyết, hòa nhã có ứng xử đẹp với học sinh, đồng nghiệp. Học sinh, sinh viên học nghệ thuật cần có một môi trường xanh - sạch - đẹp để học tập và rèn luyện trở thành những nghệ sĩ tương lai”, Lưu Thiên Hương viết.

Theo những gì Lưu Thiên Hương đăng tải, sự bất đồng quan điểm giữa cô và nghệ sĩ Minh Huyền đã diễn ra trong một thời gian nhất định.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, những người chứng kiến cho rằng khi nghệ sĩ Minh Huyền nêu ý kiến của mình trước hội đồng với mong muốn có sự thống nhất trong cách đánh giá, chấm điểm thi cho sinh viên, tránh những tranh cãi không có đáng có, Lưu Thiên Hương phản ứng gay gắt và cả hai tiếp tục lời qua tiếng lại.

Lúc này, Lưu Thiên Hương bật máy quay mà không được sự cho phép của nghệ sĩ Minh Huyền. Trước khi có hành vi bộc phát ném điện thoại, nghệ sĩ Minh Huyền đã yêu cầu Lưu Thiên Hương không được quay mình nhưng nữ nhạc sĩ vẫn tiếp tục.

Cô ném điện thoại về phía Lưu Thiên Hương (không phải ném vào người - theo NSƯT Minh Huyền) ngồi với mục đích cảnh cáo và phản đối việc nhạc sĩ quay hình trái phép.

Sau đó, video này được phát tán trong nội bộ sinh viên nhà trường trước khi Lưu Thiên Hương đăng lên mạng xã hội. Nghệ sĩ Minh Huyền lập tức bị hội đồng Nhạc viện TPHCM ra hình thức kỷ luật khiển trách trước khi cô giải trình sự việc vào ngày 16/1.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, đến hiện tại, NSƯT Minh Huyền vẫn cho rằng mình không sai, không xin lỗi Lưu Thiên Hương và không nhận hình thức kỷ luật của nhà trường. Cô chỉ nhận lỗi khi vô tình khiến hình ảnh giảng viên của nhà trường bị ảnh hưởng. Cô cũng đang suy nghĩ về việc nhờ tới sự vào cuộc của pháp luật để phân định đúng sai trong sự việc này.

Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng mạng xã hội

Chuyên gia Ngô Hương Giang.

Theo chuyên gia Ngô Hương Giang, bất cứ cá nhân nào trong một cuộc tranh luận là đối tượng bị quay, chụp cố ý đều có thể trở thành nạn nhân của những “quy chụp”, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội, hoặc bị xuyên tạc có chủ đích.

Cá nhân người thực hiện các hoạt động quay chụp ai đó không chỉ đơn thuần sử dụng làm tư liệu cho việc giải quyết các mâu thuẫn, mà thường có chủ ý đưa sự việc mang tính cá nhân, nội bộ trở thành sự việc có tính công khai.

“Và hiển nhiên mục đích của hành vi quay lén thường hướng đến sự phát tán trên quy mô rộng, nhằm làm giảm uy tín, danh dự thậm chí hạ nhục đối tượng. Vì vậy pháp luật Việt Nam quy định, mọi hành vi quay chụp của người này đối với người khác mang tính cá nhân, mà không phải do cơ quan chức năng đủ thầm quyền thực hiện, không có sự xin phép đối với cá nhân bị quay hoặc được quay, đồng thời sử dụng hình ảnh đó vào mục đích bôi nhọ hoặc mục đích xấu đều vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, tính chất, hệ quả từ hành vi đó để lại mà sẽ có biện pháp xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự”, chuyên gia nhận định.

Chuyên gia Ngô Hương Giang nhấn mạnh nhiều vụ việc phát tán clip trên mạng xã hội để lại hậu quả lớn thường hay rơi vào những người nổi tiếng. Từ clip tự quay cho đến các clip bị quay trộm và bị phát tán đều để lại hệ quả rất nặng nề cho chính nghệ sĩ tự quay hoặc bị quay.

“Nhiều nghệ sĩ không chịu được sức ép từ dư luận đã phải ‘giải nghệ’ hoặc lặng lẽ rời bỏ lĩnh vực nghệ thuật mà mình đang hoạt động. Có những nghệ sĩ trầm cảm phải tìm đến con đường quyên sinh tức tưởi. Vậy nguyên do từ đâu có những hành vi và hệ lụy này?”, chuyên gia đặt câu hỏi.

Người xưa có câu “xấu chàng, hổ ai”. Nếu người nổi tiếng không kiềm chế được cảm xúc cá nhân mà tìm cách phơi bày hành vi của một cá nhân khác lên mạng xã hội thì nguy cơ bị phản tác dụng là điều dễ nhận thấy.

Quyền lực của mạng xã hội đã khiến bất cứ ai, trong đó có người nổi tiếng dễ nảy sinh suy nghĩ mình có thể dẫn dắt được dư luận, thậm chí dẫn dắt được cả cơ quan chức năng, cho nên, họ đã sử dụng triệt để “quyền lực ảo đó”. Đây chính là nguyên nhân cơ bản của hàng loạt hoạt động tố nhau trên mạng xã hội từ những người nổi tiếng.

Chuyên gia cũng cho rằng sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc chọn cách xử lý mâu thuẫn một cách nhanh chóng, cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tìm đến mạng xã hội để giải quyết. Điều này vô hình trung biến họ từ người vô tội trở thành người có tội.

Theo chuyên gia Ngô Hương Giang, khi bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của hành vi quay, chụp lén và bị phát tán trên mạng xã hội dù với mục đích gì, cá nhân người bị hại cần tố cáo hành vi trên lên cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.

“Khi ai đó quay, chụp, phát tán trái phép hình ảnh của mình trên mạng xã hội, người bị hại cần lên tiếng công khai để ngăn chặn sự xuyên tạc cố ý từ dư luận, góp phần kìm hãm sự phát tán. Khi bị quay, chụp một cách có chủ ý thì người bị quay, chụp nếu phát hiện ra cần giữ cho mình sự tỉnh táo bằng cách thoát khỏi điểm nhìn của máy quay hoặc sử dụng vật cản để che ống kính máy quay”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Đỗ Quyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-luu-thien-huong-tranh-luan-voi-giang-vien-thay-gi-tu-hanh-dong-gio-dien-thoai-len-quay-post1607189.tpo