Vụ khởi kiện đấu giá đất ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong: Cần làm rõ quy trình giải phóng mặt bằng

Một hộ dân khởi kiện quyết định giao đất của UBND huyện Triệu Phong ra tòa án vì cho rằng đất của gia đình đang sử dụng ổn định cùng nhiều tài sản trên đất nhưng không được chính quyền giải phóng mặt bằng (GPMB) trước khi tổ chức đấu giá và cấp đất cho người khác. Từ đơn phản ánh của công dân, phóng viên Báo Quảng Trị đã làm việc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các hộ dân liên quan nhằm làm rõ sự việc.

 Ông Trịnh Trọng Chuýnh bên xưởng sản xuất của mình, khẳng định được xây dựng từ năm 1993 và chưa được bồi thường, hỗ trợ - Ảnh: L.M

Ông Trịnh Trọng Chuýnh bên xưởng sản xuất của mình, khẳng định được xây dựng từ năm 1993 và chưa được bồi thường, hỗ trợ - Ảnh: L.M

Phát sinh tranh chấp sau 5 năm đấu giá đất

Đơn kiến nghị của gia đình ông Trịnh Trọng Chuýnh, bà Nguyễn Thị Khanh ở Tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử gửi đến Báo Quảng Trị thể hiện: Năm 1992, gia đình ông Chuýnh nhận chuyển nhượng 1 thửa đất tại số nhà 179 Lê Duẩn, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Gia đình ông Chuýnh làm nghề đúc am thờ, ghế đá. Năm 1993, do nhu cầu mở rộng xưởng sản xuất, ông Chuýnh nhận chuyển nhượng đất từ vợ chồng ông, bà Trương Khắc Nguyễn, Lê Thị Xuyên với diện tích hơn 800 m2 . Thửa đất có vị trí mặt tiền đường Trường Chinh hiện nay và tiếp giáp mặt hậu của gia đình ông Chuýnh.

Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Chuýnh tiến hành san ủi, xây dựng nhà xưởng với diện tích khoảng 300 m2 , phần diện tích còn lại ông Chuýnh sử dụng làm bãi tập kết vật liệu và sản phẩm như am thờ, ghế đá chờ xuất xưởng. Quá trình sử dụng thửa đất để làm nhà xưởng từ năm 1993 của gia đình ông Chuýnh được người hàng xóm là ông Đỗ Xuân Tố xác nhận. Bên cạnh đó, xưởng sản xuất của gia đình ông Chuýnh hoạt động công khai, có đăng ký kinh doanh và nộp thuế hằng năm với chính quyền. Đặc biệt, gia đình ông Chuýnh chưa hề bị cơ quan nhà nước lập biên bản và xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất hoặc xây dựng nhà xưởng trái phép; đủ điều kiện để được giao đất. Tuy nhiên, cuối năm 2019, ông Chuýnh phát hiện thửa đất cùng một phần nhà xưởng của mình đã được cấp cho 3 hộ dân khác thông qua hoạt động đấu giá từ năm 2014. Các hộ dân trúng đấu giá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm Võ Văn Tiến, Lê Cảnh Hùng, Trương Văn Huề. Điều đáng nói, sau 5 năm trúng đấu giá, các hộ này mới đến nhận bàn giao mặt bằng trên thực địa và phát sinh tranh chấp với hộ ông Chuýnh.

580.000 đồng là khoản tiền gì (?)

Khi xảy ra tranh chấp, ông Trịnh Trọng Chuýnh đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện Triệu Phong với lý do đất của gia đình không được thu hồi, bồi thường GPMB trước khi đấu giá là ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình. Để gỡ nút thắt từ công tác GPMB, phóng viên làm việc với công chức địa chính thị trấn Ái Tử Phạm Văn Minh. Ông Minh đưa ra hồ sơ danh sách nhận tiền bồi thường, hỗ trợ có tên và chữ ký của ông Trịnh Trọng Chuýnh với 2 đợt nhận tiền, tổng số tiền nhận là 580.000 đồng và bản cam kết bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, phía ông Chuýnh cho rằng số tiền 580.000 đồng ông nhận là kinh phí hỗ trợ 3 cây xanh và 11 mét hàng rào cây xanh do gia đình trồng tiếp giáp với hành lang tuyến đường T19 khi tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng; sau khi nhận tiền gia đình đã tiến hành di chuyển cây; còn phần nhà xưởng và đất đai chưa được thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.

Trước thông tin của ông Chuýnh cung cấp, phóng viên đề nghị được tiếp cận toàn bộ hồ sơ lưu trữ về công tác thu hồi đất, GPMB, ông Minh cho rằng hồ sơ lưu trữ tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Việt lại khẳng định công tác GPMB đơn vị không thực hiện mà do UBND thị trấn Ái Tử thực hiện.

Trước thông tin thiếu thống nhất, phóng viên tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng huyện Triệu Phong. Theo đó, ngày 11/8/2010, UBND huyện Triệu Phong ban hành Quyết định số 765/QĐUBND phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cắm cọc phân lô, đo vẽ địa chính và bồi thường GPMB khu dân cư dọc đường Quốc lộ 1A (Đường T19) thị trấn Ái Tử. Theo quyết định 765, chủ đầu tư, điều hành, quản lý dự án là UBND thị trấn Ái Tử. Về hồ sơ GPMB cũng thể hiện ông Chuýnh có tên trong danh sách 99 người nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền 580.000 đồng; bảng kê chi tiết áp giá cây cối hoa màu bị ảnh hưởng của hộ ông Chuýnh gồm 1 cây bồ đề trên 5 năm tuổi, 1 cây đa cảnh trên 5 năm tuổi, 1 cây sanh trên 5 năm tuổi, 11 mét hàng rào cây xanh; bản cam kết GPMB do ông Chuýnh ký.

Ngoài ra, hồ sơ còn thể hiện trong đợt đấu giá vào năm 2014, ông Chuýnh cũng tham gia đấu giá và trúng đấu lô số 1006 nhưng không nộp tiền trúng đấu giá và UBND huyện Triệu Phong phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của ông Chuýnh. Từ đây, UBND huyện Triệu Phong cho rằng thông tin ông Chuýnh phản ánh không biết được hoạt động đấu giá đối với thửa đất và chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ là không chính xác.

Khởi kiện vụ án hành chính

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, phần đất đang tranh chấp giữa các hộ dân nằm trên tuyến đường Trường Chinh, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Toàn bộ thửa đất hơn 800 m2 , trên thửa đất có một nhà xưởng cũ với dấu tích được xây dựng và sử dụng đã khá lâu có diện tích khoảng 300 m2 ; 1 nhà kho nhỏ và hàng rào bao quanh thửa đất có dấu tích mới cơi nới, xây dựng trong thời gian gần đây. Thửa đất này đã được cơ quan chức năng chia làm 4 lô đất gồm các thửa số 1007, 1008, 1009, 1010, tờ bản đồ số 3. Theo kết quả đấu giá năm 2014, ông Võ Văn Tiến đấu trúng thửa số 1007 có diện tích 209 m2 ; ông Lê Cảnh Hùng đấu trúng lô 1008 có diện tích 209 m2; ông Trương Văn Huề đấu trúng thửa số 1009 có diện tích 203 m2 ; riêng thửa số 1010 diện tích 177 m2 chưa tiến hành đấu giá. Đặc biệt, vị trí nhà xưởng (cũ) có diện tích phần lớn nằm trên thửa 1010 (chưa đấu giá) và một phần diện tích nằm trên thửa 1009 (đã cấp cho ông Trương Văn Huề). Điều này có thể thấy mặt bằng đất trước khi đấu giá quyền sử dụng chưa được giải phóng toàn bộ.

Hiện nay, gia đình ông Chuýnh khởi kiện vụ án hành chính và Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý vụ án, đồng thời tổ chức đối thoại và thẩm định tại chỗ. Để vụ án được giải quyết một cách khách quan thì điều quan trọng là cần xem xét, làm rõ việc GPMB có đúng trình tự, thủ tục không (?). Cụ thể là thông báo thu hồi đất, kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất, lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, niêm yết công khai phương án lấy ý kiến của Nhân dân, hoàn chỉnh phương án, phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức kiểm tra thực hiện, chi trả bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng hoặc cưỡng chế thu hồi đất… theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thẩm định chính xác thời gian sử dụng đất và xây dựng nhà xưởng trên đất, đồng thời chú trọng công tác đối thoại để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và Nhân dân. Chính quyền cũng nên xem xét giao thửa đất số 1010 có phần lớn diện tích nhà xưởng (cũ) của gia đình ông Chuýnh nếu xác định được thời gian sử dụng đất, xây dựng nhà xưởng đúng như phản ánh của gia đình. Về phía gia đình ông Trịnh Trọng Chuýnh cần cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin liên quan đến quá trình sử dụng đất, nhận bồi thường, hỗ trợ để cơ quan chức năng xem xét giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ việc, ổn định tình hình, tránh phát sinh kiện tụng kéo dài.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=156683&title=vu-khoi-kien-dau-gia-dat-o-thi-tran-ai-tu-huyen-trieu-phong-can-lam-ro-quy-trinh-giai-phong-mat-bang