Vụ khinh khí cầu Trung Quốc 'đi lạc': Mỹ tìm kiếm mảnh vỡ sau khi bắn hạ; Colombia có phát hiện mới; Venezuela chỉ trích Washington

Lầu Năm Góc đang thu thập các mảnh vỡ của vật thể nghi là khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển bang South Carolina hồi cuối tuần, trong khi Venezuela nối tiếp Bắc Kinh phản đối hành động của Mỹ.

Mỹ-Trung Quốc căng thẳng vì vụ khinh khí cầu. (Nguồn : Reuters)

Mỹ-Trung Quốc căng thẳng vì vụ khinh khí cầu. (Nguồn : Reuters)

Ngày 5/2, theo Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, các đơn vị Hải quân với sự hỗ trợ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đang tiến hành việc tìm kiếm nhằm "bảo vệ khu vực và duy trì an toàn công cộng".

Trước đó một ngày, Mỹ đã điều bay chiến đấu F-22 bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc bằng một quả tên lửa không đối không AIM-9X.

Theo giới chức Mỹ, khinh khí cầu đã tiến vào vùng nhận diện phòng không của nước này từ hôm 28/1 và bay sang Canada hôm 30/1, trước khi quay trở lại không phận Mỹ hôm 31/1 vừa qua.

Washington cho rằng, quả khinh khí cầu này không phải làm nhiệm vụ nghiên cứu khí tượng như phía Trung Quốc tuyên bố mà thực chất là làm nhiệm vụ do thám các mục tiêu quân sự nhạy cảm của Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định, sự xuất hiện ngoài ý muốn của một khinh khí cầu dân sự của nước này trong không phận Mỹ là bất khả kháng, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế.

Về việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu này, ngày 5/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố "phản đối nghiêm khắc và bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết những tình huống tương tự".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ "sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực để tấn công khinh khí cầu dân sự không người lái", cho rằng động thái này sẽ "đảo ngược quyền đưa ra các phản ứng cần thiết".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Venezuela chỉ trích việc Mỹ vì đã bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, cho rằng, vật thể này “gặp một sự cố kỹ thuật và không gây bất kỳ mối đe dọa quân sự hay thể chất nào đối với những người trên mặt đất”.

Quốc gia Nam Mỹ khẳng định ủng hộ đối thoại để giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và “sự chung sống lành mạnh giữa các quốc gia và dân tộc”.

Cũng trong ngày 5/2, Mỹ đã thông báo về sự hiện diện của một khinh khí cầu thứ hai tại Mỹ Latinh. Một số video mờ được tải lên mạng xã hội ở Colombia cho thấy sự hiện diện của vật thể này.

Không quân Colombia xác nhận, họ đã phát hiện một vật thể “có đặc điểm tương tự như một khinh khí cầu” trong không phận nước này, trùng với thời điểm “khí cầu do thám” của Trung Quốc di chuyển qua một số cơ sở quân sự nhạy cảm ở Mỹ và sau đó bị bắn hạ.

Trong một tuyên bố chính thức, Lực lượng Không quân Colombia (FAC) nêu rõ, vật thể này ở độ cao trên 55.000 Feet (16.764 mét), đi vào không phận Colombia từ khu vực phía Bắc của đất nước, di chuyển với tốc độ trung bình 25 hải lý/giờ (46km/giờ).

FAC đã theo dõi vật thể “cho đến khi nó rời khỏi không phận Colombia”, nhấn mạnh rằng “vật thể này không gây ra mối đe dọa đối với an ninh và quốc phòng cũng như an toàn hàng không”.

Trong những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội tại Venezuela và Costa Rica cũng cho biết đã nhìn thấy khinh khí cầu.

(theo Reuters, THX, AFP)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-khinh-khi-cau-trung-quoc-di-lac-my-tim-kiem-manh-vo-sau-khi-ban-ha-colombia-co-phat-hien-moi-venezuela-chi-trich-washington-215598.html