Vụ học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1: Biểu hiện rõ ràng của bệnh thành tích

“Trường hợp học sinh ở Sóc Trăng học lớp 6 không biết viết trong khi hiệu trưởng lại giải thích vì quá tin tưởng vào giáo viên. Liệu rằng có thực sự là cô đã quá tin tưởng giáo viên hay là có một sự thỏa hiệp ngầm nào?”, TS. Phạm Tất Thắng nghi vấn.

Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 6 tại TP. Sóc Trăng không biết đọc, biết viết và bị trả về lớp 1, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

TS. Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Vừa qua, sự việc một học sinh lớp 6 tại TP. Sóc Trăng không biết đọc, biết viết và bị trả về lớp 1 (trường Tiểu học Lý Đạo Thành) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Là một người rất quan tâm đến các vấn đề về giáo dục, xin TS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TS. Phạm Tất Thắng: Nếu vụ việc đúng như báo chí phản ánh, học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết là một sự việc không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, một học sinh không biết đọc, biết viết là chưa đủ trình độ để kết thúc năm học lớp 1 mà vẫn lên được lớp 2 và hoàn thành chương trình tiểu học là biểu hiện rất rõ ràng bệnh thành tích của trường Tiểu học Lý Đạo Thành.

Rõ ràng lãnh đạo nhà trường, phòng giáo dục trên địa bàn cũng có vai trò và phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý khi để những học sinh yếu như vậy vượt qua yêu cầu cấp tiểu học và lên được lớp 6.

Trước đó, khi trao đổi với báo chí, mẹ bạn học sinh này cũng cho hay, khi phát hiện con không biết đọc, biết viết đã xin giáo viên cho con ở lại nhưng giáo viên vẫn nói con đủ điểm lên lớp chỉ cần phụ đạo thêm là được. TS suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của giáo viên xung quanh câu trả lời này?

Giáo viên mà trả lời gia đình học sinh như thế cho thấy, giáo viên cũng đang chạy theo thành tích và không làm tròn đạo đức cũng như lương tâm nghề nghiệp. Với một học sinh yếu kém, nếu là giáo viên nghiêm túc sẽ cương quyết cho con học lại.

Nhất là khi phụ huynh đề xuất cho con học lại mà còn thuyết phục phụ huynh để cho con lên lớp thì đó là điều khó thể chấp nhận với cương vị là một giáo viên. Hay nói khác đi là sự vô trách nhiệm.

Trả lời báo chí về việc học sinh học hết cấp tiểu học mà không biết đọc, cô hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho hay: “Đó là do tôi quá tin tưởng vào giáo viên”. PGS.TS thấy đây là câu trả lời thế nào?

Ở đây, ngoài trách nhiệm trực tiếp từ giáo viên đứng lớp thì ban giám hiệu nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm, trực tiếp là hiệu trưởng. Như hiệu trưởng giải thích để xảy ra sự việc là do quá tin tưởng vào giáo viên có thể cho thấy vị hiệu trưởng này không làm tròn trách nhiệm quản lý của mình để một học sinh không biết đọc, biết viết hoàn thành cả cấp học tiểu học.

Bên cạnh đó, câu trả lời ấy thể hiện vị hiệu trưởng cũng quá dễ dãi trong cách quản lý học sinh, dễ dãi trong việc kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh. Dù đánh giá theo cách nào thì vị hiệu trưởng này cũng không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Như TS được biết, ở các trường vẫn còn nhiều học sinh có lực học yếu kém nhưng lạ là việc học sinh lưu ban dường như bị xóa sổ trong những năm vừa qua. Liệu đây có phải biểu hiện của bệnh thành tích mặc dù nó đã được quán triệt từ rất lâu?

Rõ ràng, hiện tượng học sinh yếu kém nhưng vẫn lên lớp và dường như không có học sinh lưu ban là biểu hiện chạy theo thành tích. Ví như trường hợp học sinh ở Sóc Trăng học lớp 6 mà không biết viết trong khi hiệu trưởng lại giải thích vì quá tin tưởng vào giáo viên. Liệu rằng có thực sự là cô đã quá tin tưởng giáo viên hay là có một sự thỏa hiệp ngầm nào đó?

Không lẽ, một học sinh yếu như vậy khi giáo viên lớp trên tiếp nhận học sinh lại không biết và không báo cáo với hiệu trưởng? Nếu đã tồn tạo sự thỏa hiệp ngầm giữa lãnh đạo nhà trường và giáo viên thì đây là hành động chạy theo thành tích, coi nhẹ yêu cầu kiểm tra đánh giá, làm ngơ những trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn cho lên lớp.

Nhất là khi trường Tiều học Lý Đạo Thành lại là trường chuẩn quốc gia nên có thể lãnh đạo muốn bảo vệ “thương hiệu cũng như uy tín” của nhà trường.

Theo TS, làm sao để bệnh thành tích “biến mất” một cách triệt để?

Đầu tiên cần thay đổi về cách thức quản lý trong ngành giáo dục, trong xã hội. Ngay cả phụ huynh và học sinh cũng cần thay đổi nhận thức trong việc học thật, đánh giá thật và kết quả thật.

Tiếp nữa, ngành giáo dục cũng nên đề ra những quy trình kiểm tra đánh giá làm sao cho độc lập và khách quan nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tổ chức chấm thi và đánh giá. Nếu tuân theo đúng quy trình, giáo viên “ít” có điều kiện thay đổi kết quả.

Ngoài ra, phụ huynh cũng đừng quá quan trọng về điểm số và hạnh kiểm khiến nhà trường và giáo viên thêm áp lực. Học sinh cần được đánh giá đúng khả năng của mình để bản thân các em có những nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.

Trong sự việc này cũng cần quy rõ trách nhiệm của các cá nhân nào có liên quan để có rút kinh nghiệm phù hợp.

Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-hieu-truong-tin-tuong-giao-vien-hay-co-su-thoa-hiep-post210697.info