Vụ hai bé gái bị bắt cóc: Thủ đoạn phạm tội mới

Sau hơn 1 tuần xác minh động cơ gây án của nữ nghi phạm bắt cóc hai bé gái trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 (TP. HCM) đã Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, trú tại tỉnh Tiền Giang) để điều tra về hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội mới

Theo thông tin ban đầu, Vi được bạn trai ở nước ngoài chu cấp tiền để thuê Căn hộ 10.05 tháp Ruby, Chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM) vào đầu tháng 4/2024. Thời hạn thuê căn hộ chỉ trong vòng một tháng . Mục đích sử dụng để làm nơi Vi quay các clip khiêu dâm rồi chuyển ra nước ngoài.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối với nữ nghi phạm.

Ngay sau khi chuyển vào ở tại căn hộ 10.05 tháp Ruby, Chung cư Saigon Pearl, tối 3/4, Vi đến khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM) và tiếp cận hai bé gái NKTM (7 tuổi) và cháu LHTL (3 tuổi) khi hai bé này đang bán kẹo ở khu vực trước nhà hát thành phố.

Sau đó, Vi dùng tiền, bánh kẹo dẫn dụ hai cháu bé đi theo mình qua nhiều tuyến đường ở quận 1, quận 8… Từ quận 8, Vi bắt taxi công nghệ đưa hai cháu bé về giam giữ tại căn hộ 10.05 tháp Ruby, chung cư Saigon Pearl.

Tại đây, Vi tiếp tục dùng lợi ích vật chất như tiền, bánh kẹo nhằm mục đích giữ hai cháu bé ở lại.

Qua theo dõi vụ việc, TS, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá, hành vi bắt cóc trẻ em để sử dụng vào mục đích khiêu dâm là phương thức thủ đoạn phạm tội mới, manh động, táo tợn và thể hiện ý thức coi thường pháp luật của nữ nghi phạm.

Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và là đối tượng đặc biệt trong xã hội cần phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

TS, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

“Bất kỳ người nào đã thành niên mà lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 147, Bộ luật Hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia luật phân tích, trong vụ án trên, chứng cứ vật chất có thể là các clip, hình ảnh các cháu bé thực hiện hành vi khiêu dâm theo hướng dẫn yêu cầu của đối tượng là căn cứ buộc tội xác đáng với nữ nghi phạm.

Hành vi cấu thành tội phạm từ lúc hướng dẫn, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện các hoạt động có tính chất khiêu dâm mà không phụ thuộc vào thời lượng, hình ảnh, hậu quả xảy ra đối với nạn nhân và xã hội.

Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này cần xem xét, làm rõ vai trò, trách nhiệm pháp lý của người đàn ông nước ngoài.

Cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống

Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu Thượng tá, nhà nghiên cứu tội phạm học nhận định, nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, trước hết là do sự chủ quan, lơ đãng và bất cẩn, mất cảnh giác của cha mẹ, người thân trong việc trông coi trẻ em. Ngoài ra, trẻ em thiếu sự giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc của người lớn. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu Thượng tá, nhà nghiên cứu tội phạm học

Để bảo vệ con an toàn, TS Hiếu khuyên cáo phụ huynh cần dạy cho trẻ biết cách xác định người có thể tin cậy và không nên trò chuyện hoặc đi cùng với những người lạ, tuyệt đối không được nhận quà cáp từ người lạ.

Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ. Đồng thời, dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.

Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm.

Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

Chuyên gia tội phạm học lưu ý, trường hợp khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc, gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan Công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo Công an). Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ.

Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án. Nếu đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của công an để có phương án xử lý tối ưu nhất.

Đ. Việt

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/vu-hai-be-gai-bi-bat-coc-thu-doan-pham-toi-moi-425532.html