Vụ ép giáo viên đi “tiếp khách”: Phải nghiêm túc rút kinh nghiệm

Sáng 14/11, bên hành lang Quốc hội trả lời báo chí về việc ép giáo viên đi “tiếp khách” tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã có chỉ đạo, yêu cầu địa phương kiểm tra, báo cáo rõ vụ việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn

Thưa ông, vừa qua dư luận đã phản ứng rất nhiều về việc lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có công văn điều động giáo viên đi “tiếp khách” với lý do làm nhiệm vụ chính trị. Vậy ý kiến của ông như thế nào về vụ việc này?

Điều động giáo viên đi tiếp khách là không chấp nhận được. Cùng đó, theo quy định của Luật Công chức viên chức thì không được uống rượu, bia trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính thì giáo viên cũng là con người, có thể còn có quan hệ với bạn bè, người thân.

Sau khi một số giáo viên phản ánh dư luận lên tiếng thì Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng tiếp khách là vinh dự. Vậy quan điểm đó có đúng với chủ trương không thưa bộ trưởng?

Đó là quan điểm cá nhân của ông Chủ tịch UBND huyện. Còn trong việc này cần phải lắng nghe phụ huynh học sinh, giáo viên để từ đó chỉnh sửa, chứ không phải mục đích đó thì các bạn hiểu rồi.

Vậy hiện Bộ đã yêu cầu Sở giáo dục đào tạo Hà Tĩnh báo cáo chưa thưa ông?

Ngay sau khi nghe thông tin đó, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra ngay bởi đây không phải là vấn đề chỉ dừng lại ở một địa phương, thêm vào đó, các vấn đề làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đi ngược lại tôn chỉ mục đích của ngành thì Bộ có trách nhiệm chỉ đạo. Còn nếu thuộc thẩm quyền địa phương chúng tôi cũng phải nhắc nhở.

Các thầy ngoài việc làm chuyên môn, còn là tấm gương, đã làm tấm gương thì không thể nói trong giờ hành chính thì chấp hành, ngoài giờ hành chính thì không chấp hành. Đã là một giáo viên thì phải chấp hành hình ảnh người nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh nhân dân. Thầy cô nghiêm túc chuẩn mục thì là một tấm gương sáng rất tốt, hơn cả chuyên môn.

Trách nhiệm tới đâu xử lý tới đấy! Nói là xử lý thì hơi nặng nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Một hành vi trong chỉ đạo, hành vi về quan hệ dân sự nhưng tôi cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Minh Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vu-ep-giao-vien-di-tiep-khach-phai-nghiem-tuc-rut-kinh-nghiem-45293.html