Vụ đông ở vùng biên giới Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, ngoài canh tác chính vụ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Si Ma Cai đã tích cực tham gia phát triển trồng cây vụ đông, tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong đó, bà con chủ yếu trồng cây ngô đông, khoai tây và các loại rau, đậu khác...

Nông dân Si Ma Cai thu hoạch cúc chi. Ảnh: Vân Anh

Vụ đông năm nay, tiếp tục duy trì diện tích cây vụ đông, cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại nguồn thu nhập chính đáng. Mô hình trồng cây rau vụ đông ở xã Quan Hồ Thẩn là một trong những mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả cho người dân ở Si Ma Cai.

Theo kế hoạch, năm nay, toàn huyện Si Ma Cai gieo trồng 400ha rau, đậu các loại, tăng 40ha so với vụ đông năm 2022. Trong đó, cây trồng chủ lực vẫn là rau cải bắp với diện tích trồng 243ha. Hầu hết bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã chủ động sản xuất vừa đảm bảo canh tác đúng thời vụ, vừa có rau xanh phục vụ nhu cầu gia đình và có thêm nguồn thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến thời điểm này, Quan Hồ Thẩn là xã trồng rau vụ đông lớn nhất huyện với trên 60ha, chủ yếu là bắp cải, rau đậu các loại. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lừu Seo Sần, thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn cho biết: "Vụ đông năm nay, gia đình mạnh dạn tham gia trồng rau để cung cấp ra thị trường. Nhờ thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt, sau khi trừ đi chi phí, gia đình thu lãi trên 20 triệu đồng".

Đây là năm thứ 3 gia đình ông Sần tích cực tham gia trồng cây rau vụ đông, bởi theo ông Sần, địa hình với khí hậu ở Quan Hồ Thẩn rất thuận lợi cho việc trồng rau. Thêm nữa, rau xanh Si Ma Cai đã có thị trường tiêu thụ ổn định nên chúng tôi rất yên tâm về đầu ra... Đặc biệt, người dân ở Quan Hồ Thẩn đã có kinh nghiệm rất nhiều về trồng rau, nên vụ đông này, họ đã biết đẩy thời vụ trồng rau sớm hơn những xã khác, việc tiêu thụ thuận lợi và giá bán cũng cao hơn. Theo tính toán, mỗi ha trồng rau vụ đông cho giá trị trên 70 triệu đồng. Trồng rau vụ đông không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân trong lao động, sản xuất.

Ông Lừu Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn cho biết: "Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây rau, nên giờ đây, chúng tôi đã không còn phải vất vả vận động bà con chuyển đổi cây trồng như trước. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu mà cây vụ đông mang lại, địa phương đã tăng cường liên kết, bao tiêu sản phẩm, giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất. Đây cũng là điều kiện để nâng cao giá trị sử dụng đất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân".

Bà con người Mông ở Si Ma Cai chăm sóc rau vụ đông. Ảnh: Vân Anh

Hiện tại, đầu ra các loại rau vẫn chủ yếu là các thương lái, nên cấp ủy, chính quyền huyện Si Ma Cai đã chủ động tìm thêm các công ty, siêu thị để tiêu thụ rau cho bà con. Đồng thời, huyện Si Ma Cai sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rau tại hệ thống các siêu thị trong nước nhằm tạo thị trường ổn định và gia tăng hơn nữa giá trị sản xuất cho cây rau vụ đông của địa phương.

Năm nay, bên cạnh duy trì cây rau vụ đông, nông dân Si Ma Cai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa mô hình canh tác mới vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tại xã Bản Mế, gia đình bà Thèn Thị Thơm đã chuyển toàn bộ diện tích đất đồi dốc, trồng ngô không đạt hiệu quả sang trồng hoa cúc chi. Với diện tích trên 7.000m2, sau 3 tháng mạnh dạn thử nghiệm, đến nay, vườn đồi hoa cúc chi của gia đình bà Thơm đã cho thu hoạch. Bà Thơm tâm sự: "Mình thấy trồng cây cúc chi rất dễ chăm sóc. Hoa ra từng đợt nên cũng dễ thu hái và tiêu thụ. Hiện tại, giá thu mua hoa cúc chi tươi tại địa bàn khoảng 40 nghìn đồng/kg. Hạch toán kinh tế, trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ trồng hoa cúc chi khoảng 7 triệu đồng/sào".

Hiện nay, trên địa bàn huyện Si Ma Cai có Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Hải Châm đang dùng hoa cúc chi để chế biến thành trà, cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, hoa cúc chi trồng ở Si Ma Cai đang được một công ty dược liệu tại Hà Nội hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm để làm ra các sản phẩm như trà túi lọc, các đồ thức uống có tác dụng an thần, giải nhiệt, tiêu độc, chống oxy hóa. Theo đánh giá sơ bộ, cúc chi dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên Si Ma Cai, vốn đầu tư thấp, nông dân làm chủ được kỹ thuật canh tác.

Mô hình trồng hoa cúc chi làm nguyên liệu trong chế biến các sản phẩm dược liệu đang là hướng đi mới của huyện Si Ma Cai với kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai khẳng định: "Việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông và tích cực trồng thử nghiệm các mô hình canh tác mới giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Si Ma Cai biết phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác tốt thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị canh tác trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân; góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Lê Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vu-dong-o-vung-bien-gioi-si-ma-cai-post471022.html