Vũ điệu Sóc Trăng trong rừng cây

Thành phố Sóc Trăng xinh xắn, ấm áp như bàn tay Phật nằm giữa những dòng sông bao quanh. Có một hợp lưu ba con sông ở trung tâm thành phố nối với sông Hậu chạy ra biển Đông. Sóc Trăng mang âm hưởng huyền diệu bởi tiếng chuông chùa luôn ngân nga khi hoàng hôn ửng hồng.

Không gian thanh thản và mơ màng đúng như nhà thơ Trần Nhật Thu đã từng viết: "Thấp thoáng chùa chiền trong bóng lá/ Người về áo lẫn với màu mây/ Tôi nhớ Sóc Trăng chiều chuyển gió/ Chiếc xuồng con bơi giữa bờ cây".

Rom Vong bên chùa Dơi

Khi chúng tôi mới đi qua cổng chào chùa Dơi đã hòa vào không khí náo nức của những vòng Rom Vong hay còn gọi là múa Lâm Thôn (tựa như Xòe nhiều vòng tròn Tây Bắc). Tiếng hát vang lên từ xa rộn ràng theo nhịp điệu ngũ cung uyển chuyển bay bổng. Cánh rừng xanh cổ đại bao quanh ngôi chùa cũng đung đưa theo nhịp điệu trong chiều gió. Lời ca vang lên kéo chúng tôi vào một ngày vui: "Rom Vong là sợi tơ vương/ Buộc dân tộc với tình thương con người/ Ram vông tay múa môi cười/ Nhún vai chân bước theo người trước sau" (sáng tác: Thạch Đờ Ni).

Thành phố Sóc Trăng.

Thành phố Sóc Trăng.

Cô hướng dẫn viên nở nụ cười tươi như hoa rồi chậm rãi nói, trong bất cứ không gian nào người Khơ Me ở Sóc Trăng cũng múa Rom Vong cùng nhau. Đã từ lâu các chùa Khơ Me hoặc những phum, sóc cộng đồng luôn vang vọng tiếng nhạc dân tộc cùng vũ điệu dân gian lâu đời này. Mọi người luôn tay bắt mặt mừng chào nhau. Nào đám cưới, nào dựng nhà, nào lễ hội hay ngày xuân tết đến ai nấy đều Rom Vong mỗi khi gặp mặt.

Chúng tôi tới đây đúng mùa dơi sinh nở cũng là ngày hội giao lưu với hàng trăm học sinh từ khắp nơi đến nối vòng Rom Vong. Dơi ở ngôi chùa Mahatup (chùa Dơi) kỳ lạ lắm. Chúng là giống dơi quạ (thân to, cánh lớn) chỉ đẻ mỗi lứa một con nên vào tháng 5 hoặc tháng 6 là dơi chỉ treo thân trên cành cây sinh nở. Chúng ôm con vào lòng nuôi ăn và chăm sóc cho tới khi dơi con tự bay được. Dơi treo mình ngủ suốt một ngày rồi tối đến mới đi kiếm ăn xa cho tới sáng hôm sau.

Người dân Khơ Me coi dơi là biểu tượng cho điềm phúc cho mọi nhà. Dơi ứng với chữ Phúc trong bộ ba Phúc-Lộc-Thọ được tôn thờ như những điều cơ bản nhất của con người mà Phật giáo hướng tới. Khi dơi ngủ thường bám chân treo ngược thân trên cành cây người Khơ Me quan niệm đó là "Phúc đáo" nghĩa là phúc tới. Chùa Dơi là nơi duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng Khơ Me Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng nên trở thành nơi hòa đồng sâu sắc của ba dân tộc Khơ Me-Kinh-Hoa. Từ xa xưa dân gian vẫn truyền miệng: "Ba Xuyên tên gọi thân thương/ Sóc Trăng nỗi nhớ tình thương đậm đà/ Người Hoa-Miên-Việt hiền hòa/ Chung vai sát cánh như là anh em".

Nói không ngoa người Khơ Me nào cũng biết múa từ khi còn trong bụng mẹ. Rom Vong thu hút bất kể ai và tạo nên nhiều vòng tròn bên nhau uyển chuyển với những cánh tay uốn lượn theo điệu nhạc rộn ràng. Chính vì thế Rom Vong thường được múa trên các sân chùa tạo sinh khí vui tươi và gắn kết cộng đồng.

Kiến trúc chùa Dơi cũng như bao ngôi chùa khác ở Sóc Trăng luôn gắn với nhiều hình tượng vũ công. Người nhảy múa cách điệu cùng chim thần ở khắp nơi từ cột nhà, xà nhà, vì kèo và trên tường chùa. Đó là hình ảnh tiên nữ Kemnar múa được vẽ nổi bật trên tường cửa chùa Dơi. Tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực cùng với đôi mắt to tròn huyền bí. Đó là biểu tượng cho sức mạnh siêu nhiên và là đôi cánh hy vọng về hạnh phúc và cuộc sống luôn tươi sáng.

Đã hơn 400 năm trôi qua, chùa Dơi là một điểm nhấn tâm linh của thành phố Sóc Trăng với ý niệm luôn hòa nhập vào cuộc sống với phương châm "Tốt đạo-đẹp đời". Cánh rừng cổ thụ bao quanh chùa như một sự bảo chứng thời gian và nuôi dưỡng cho đàn dơi sinh sản mà người Khơ Me luôn đón chờ những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Tác giả Tuấn Nguyễn tới đây cũng đã để lại những câu thơ: "Nhớ ngày anh đến Sóc Trăng/ Lúa đồng xanh ngát, mây giăng trắng trời/ Ánh vàng lấp lánh chùa Dơi/ Lâm Thôn em hát tuyệt vời làm sao".

Những ban nhạc đồng quê

Thật bất ngờ với chúng tôi khi được dẫn tới gặp gỡ một ban nhạc nhí ngay tại phòng tập chùa Dơi. Ngoài những ban nhạc được bố trí tại các gian nhà quanh chùa, ban nhạc nhí này luôn tấu lên những bản nhạc đồng quê theo yêu cầu. Đó là hồn cốt trong văn hóa Phật giáo tiểu thừa của người Khơ Me. Người dân Khơ Me bao giờ cũng gửi con cháu lên chùa tu một thời gian, trước khi bước vào đời làm ăn, sinh sống, gây dựng sự nghiệp. Họ coi đó là nghĩa vụ của một đời người. Trẻ con Khơ Me đến chùa sẽ được học chữ của dân tộc mình, vui chơi ca hát và học lễ.

Khi chúng tôi bước vào căn nhà đã nghe thấy tiếng hát nhí nhảnh cất lên. Đó là giọng hát trong veo của một cô bé: "Trong rừng cây xanh sáo đùa, sáo bay. Ngọt thơm đom boong ơi. Đàn chim vui bầy la là lá la. Trong rừng cây xanh sáo tìm trái thơm…". Dòng người lặng đi trong âm thanh ngọt ngào, trong trẻo như suối nguồn cỏ hoa, lá thắm. Đó là bài hát "Chim sáo" mà đội nhạc tiểu đồng đang tập luyện. Trước mắt chúng tôi là những tiều đồng người Khơ Me cùng với nhạc sư Lâm Văn Cường chăm chú tập luyện từng nốt nhạc.

Múa Rom Vong đón xuân.

Múa Rom Vong đón xuân.

Nhạc sư Lâm Văn Cường cho biết các ban nhạc Ngũ cung ở tất cả các chùa đều dậy theo phương pháp truyền nghề qua từng bài chứ không theo trường lớp nhạc viện. Đó là đặc điểm thẩm âm và năng khiếu âm nhạc của những thiếu niên Khơ Me rất nhạy cảm. Cũng như các làn điệu múa dân gian, người Khơ Me sinh ra là đã biết múa và thấm vào trong máu những thanh âm dân ca trước khi biết nói vậy. Đó là những bài hát ru cùng những vũ điệu Rom Vong luôn diễn ra suốt ngày đêm trong những phum sóc, bến bãi, cửa sông. Mà âm nhạc bao giờ cũng đi trước một bước.

Nhạc sư còn kể do thường tụ cư ở vùng đất và nước đồng bằng sông Cửu Long nên những nhạc cụ của người Khơ Me luôn mang dáng hình con thuyền. Rồi ông chỉ cho chúng tôi đây là nhạc thuyền Ron nét ek, kia là đàn thuyền Kong thom, hay đó là đàn thuyền Krong tô… đủ các loại nhạc cụ mà các nghệ sĩ tiểu đồng đang chơi cùng các bộ gõ, bộ hơi, đàn kéo, đàn gảy. Sau đó nhạc sư bước tới bộ nhạc trống cầm trịch để các học trò biểu diễn theo yêu cầu của du khách. Những bản hòa tấu rền vang, réo rắt như sóng nước cuộn trôi. Một giọng hò vút cao như cánh buồm đang bay trên dòng sông Sóc Trăng. Lời ca trong trẻo ngân nga: "Nghe tiếng kêu Kruc kru của nước/ Để bẻ sen trong bờ lát/ Ô, bông sen mọc ở bùn/ Bùn hôi lắm ao sen vẫn cứ thơm/ Cả củ và ngó sen" (Hò hái sen).

Bản hòa tấu màu xanh

Bên ngoài sân chùa những ban nhạc của các nghệ nhân tài hoa cũng bất ngờ tấu lên trong rừng cây xạc xào. Những bản nhạc đồng quê rền vang hòa trong điệu thức thiên nhiên dưới mái chùa cổ kính. Tiếng trống bập bùng tựa như tiếng chèo thuyền đưa đoàn người ra khơi. Lúc này mọi người từ phương xa tới vội vã vào chùa dâng hương. Họ quỳ trước tượng Đức Phật Bà và khẩn cầu cho cuộc sống bình an. Còn bên ngoài sân nhà khách những vòng Rom Vong lại quây tròn. Một chàng trai Khơ Me đứng với động tác trên thuyền cất tiếng tự trái tim mình về tình yêu: "Chiều xuống anh đưa em đi chơi/ Xóm làng mình sông sâu nước chảy/ Để em ngồi trên thuyền sao lòng anh áy náy/ Sợ sóng đánh làm ướt đôi chân em".

Chúng tôi bịn rịn chia tay ban nhạc tiểu đồng với những đôi mắt to đen trong sáng. Đó là những cặp mắt Sóc Trăng đầy ấn tượng đẹp như những lời gửi trao không bao giờ dứt theo từng bước chân. Những âm thanh dồn dập tiễn đưa và hẹn hò ngày trở lại. Cánh rừng cây Sao và Dầu bao phủ quanh chùa cũng đã ru cho đàn dơi ngủ vùi trên những cành cây. Đây là rừng cây xanh tốt bốn mùa và thay lá một lần trong năm tạo nên sức sống luân hồi trường cửu. Những vòng Rom vong vẫn cứ kết thêm vòng xoay với nhịp điệu xanh bất tận. Một câu hò đâu đó vang lên trong cánh rừng Sao làm chúng tôi ngẩn ngơ: "Ngó lên trời mưa sa lác đác/ Ngó xuống đất hạt cát nằm nghiêng/ Rượu Ba Xuyên rót đãi người hiền/ Trước là đãi bạn sau giải phiền cho anh". Đúng là Sóc Trăng đã làm chúng tôi say ngất ngư. Thật khó rời xa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/vu-dieu-soc-trang-trong-rung-cay-i704979/