Vụ dẫn độ CFO Huawei: Trung Quốc liên tiếp công bố phán quyết với dân Canada

Từ ngày 10/8, Trung Quốc liên tiếp công bố phán quyết liên quan đến 2 công dân Canada là Michael Spavor và Robert Schellenberg.

Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu tới Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày 10/8, Trung Quốc liên tiếp công bố phán quyết liên quan đến 2 công dân Canada là Michael Spavor và Robert Schellenberg. Trang globalnews.ca dẫn lời ông Dominic Barton, Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nhấn mạnh động thái này của Bắc Kinh không phải là ngẫu nhiên.

Ông Barton bóng gió đề cập đến phiên tòa xem xét dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - đang diễn ra ở Vancouver, nơi đội ngũ luật sư bảo vệ vị CFO này đang cố gắng với những nỗ lực cuối cùng nhằm chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu sẽ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật thương mại.

Ngày 10/8, Tòa án tối cao tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã bác đơn kháng cáo của Robert Schellenberg, công dân Canada bị kết án tử hình vì tội buôn lậu ma túy. Schellenberg bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào tháng 12/2014, bị buộc tội buôn lậu ma túy vào tháng 1/2015 và bị kết án 15 năm tù vào ngày 28/11/2018.

Sau khi ông Schellenberg kháng cáo bản án 15 năm tù, vào tháng 1/2019, tòa án Trung Quốc đã xét xử lại và tuyên Schellenberg án tử hình. Tòa án đã nghe Schellenberg kháng cáo bản án tử hình vào tháng 5/2020 và xác nhận phán quyết vào ngày 10/8/2021. Hãng tin Reuters dẫn lời các luật sư ở Bắc Kinh cho rằng việc áp đặt một bản án khắc nghiệt hơn sau khi kháng cáo là trái với tinh thần của luật tố tụng Trung Quốc.

Một ngày sau khi tuyên án vụ Robert Schellenberg, Tòa án thành phố Đan Đông ở Trung Quốc thông báo bản án 11 năm tù đối với doanh nhân người Canada Michael Spavor vì tội hoạt động gián điệp.

Theo giới quan sát, những hành động của phía Trung Quốc ngày càng phản ánh rõ việc Bắc Kinh gắn số phận của hai công dân Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc là Michael Kovrig và Michael Spavor với vụ kiện dẫn độ CFO của Huawei.

Cựu Ngoại trưởng Canada John Manley nói: "Sẽ là một sự trùng hợp khác thường nếu các vụ việc này không liên quan đến nhau", đồng thời cảnh báo “nếu bà Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ sang Mỹ, hai công dân Canada sẽ phải ở Trung Quốc trong một thời gian rất dài”. Robert Oliphant, Thư ký Quốc hội của Ngoại trưởng Canada, cũng đã từng nhận định việc Trung Quốc bắt giữ ông Kovrig và ông Spavor là “những vụ bắt cóc có mục tiêu”.

Gordon Houlden, người đứng đầu Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta, nhận xét: “Luật pháp Trung Quốc có tính linh hoạt, khác biệt với hệ thống của Canada. Hiển nhiên là Thủ tướng Canada không thể triệu tập Thẩm phán ở tỉnh British Columbia và ra lệnh về phán quyết của tòa”. Song theo giới chuyên gia, đó chính xác là những gì Trung Quốc mong muốn từ chính phủ Canada.

Theo Reuters, Trung Quốc đã bác bỏ mối liên hệ giữa các vụ án của người Canada ở Trung Quốc với vụ kiện dẫn độ CFO Huawei, dù Bắc Kinh đã cảnh báo sẽ có những hậu quả nếu bà Mạnh Vãn Châu chưa được trả tự do. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng vụ Schellenberg có bản chất hoàn toàn khác với trường hợp của CFO Huawei, bởi những bằng chứng trong vụ Schellenberg là có cơ sở vững vàng và thủ tục tuyên án là hợp pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti cũng từ chối bình luận về bất kỳ mối liên hệ nào giữa vụ kiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu với các vụ giam giữ ở Trung Quốc. Ông David Lametti nói: “Tôi không bao giờ bình luận công khai về vụ CFO của Huawei vì tôi có thể đóng một vai trò vào cuối quá trình (xem xét dẫn độ) này".

Erin O’Toole, nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Canada, ngày 10/8 thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc kết án tử hình Robert Schellenberg là để trả đũa việc Ottawa bắt giữ CFO của Huawei. Theo ông Erin O’Toole, Trung Quốc đang đưa ra các quyết định pháp lý theo nhu cầu chính trị của quốc gia này. Đảng Bảo thủ, đối thủ chính của đảng Tự do cầm quyền tại Canada, kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Ông tuyên bố: “(Thủ tướng Trudeau) đã đứng ngoài không can thiệp với Trung Quốc trong suốt 6 năm. Một chính phủ Bảo thủ sẽ bảo vệ các giá trị của chúng ta, của người dân và an ninh của Canada”.

Theo giới quan sát, các phán quyết của Trung Quốc đối với Schellenberg và Spavor rõ ràng có ẩn chứa thông điệp từ Bắc Kinh, trong bối cảnh vụ kiện dẫn độ CFO Huawei đang bước vào vòng tranh tụng cuối cùng và ở thời điểm Canada dự kiến sắp bắt đầu một chiến dịch tổng tuyển cử. Các phụ tá cho biết Thủ tướng Justin Trudeau có kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử liên bang sớm.

Hãng AFP cho biết Canada muốn các đối tác quốc tế gây áp lực buộc Trung Quốc phải thả 2 công dân nước này. Ông Trudeau đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã bày tỏ lập trường phản đối mạnh mẽ phiên tòa kết tội Spavor.

Canada vẫn đang trao đổi với Washington và Bắc Kinh để đảm bảo việc hồi hương Spavor và Kovrig, những người cũng phải đối mặt với cáo buộc gián điệp. Một nguồn thạo tin với các cuộc đối thoại của Mỹ cho biết giới chức tập trung vào việc tìm ra giải pháp để trả tự do cho 2 công dân Canada và tách bạch với vụ việc chống lại bà Mạnh Vãn Châu.

Ngày 11/8, công tố viên Robert Frater cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu có những hành vi "thương mại không trung thực”. Trước đó bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, bị cáo buộc lừa đảo HSBC bằng cách gian dối về mối liên hệ giữa Huawei và Skycom, một công ty con đã bán thiết bị viễn thông sang Iran, khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị kết án, bà có thể phải đối mặt với hơn 30 năm tù giam.

Trước khi vòng tranh tụng cuối cùng bắt đầu vào tuần trước, Huawei Canada cho biết rằng các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu sẽ lập luận theo hướng Mỹ “không đủ chứng cớ và căn cứ để truy tố” thân chủ. Một tuyên bố của chi nhánh Huawei tại Canada nhấn mạnh yêu cầu dẫn độ phải bị hủy bỏ và bà Mạnh Vãn Châu cần phải được “cho phép trở về nhà”.

Tuy nhiên, ông Frater cho biết các bằng chứng và cáo buộc của phía bà Mạnh Vãn Châu về việc Mỹ và Canada lạm dụng quy trình, điều mà phía Ottawa và Washington đều phủ nhận, hiện thuộc thẩm quyền của thẩm phán Mỹ. Các thẩm phán yêu cầu dẫn độ tại Canada không có trách nhiệm và quyền hạn để “đánh giá mức độ các vụ việc mà quốc gia yêu cầu đưa ra”.

Các luật sự bào chữa dự kiến sẽ đưa ra những lập luận cuối cùng trong những ngày tới, trước khi kết thúc phiên điều trần vào ngày 20/8. Phán quyết sẽ chưa được đưa ra ngay trong những tháng tới, và trong trường hợp có kháng nghị, các thủ tục có thể phải mất thêm vài năm./.

Đỗ Thùy Thái Bình

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vu-dan-do-cfo-huawei-trung-quoc-lien-tiep-suc-ep-doi-voi-canada/207103.html