Vụ CSGT Hà Nội bị đánh gãy răng: Sao hiện tượng chống người thi hành công vụ không dứt?

Bất bình khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải đối mặt với hành động côn đồ, chống người thi hành công vụ của người vi phạm, nhiều người đặt câu hỏi vì sao tình trạng này vẫn không dứt?

Như Infonet đưa tin, khoảng 7 giờ 10 phút ngày 13/10, tại đầu nút giao thông Trường Chinh- Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3 đang làm nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông thì có một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Wave mang BKS 29S1-312.92 lưu thông hướng Trường Chinh- Ngã Tư Sở không đội mũ bảo hiểm.

Ngay sau đó, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính theo đúng luật định. Không những không chấp hành mà nam thanh niên này tăng ga bỏ chạy. Đến chốt tiếp theo, một chiến sĩ CSGT khác tiếp tục dừng xe kiểm tra nhưng nam thanh niên này vẫn không chấp hành mà nhấn ga đâm thẳng vào người chiến sĩ CSGT.

Nam thanh niên 9x lao xe và đấm CSGT

Khi cả CSGT và nam thanh niên này cùng ngã xuống đường, bất ngờ nam thanh niên vùng dậy tung liên tiếp nhiều cú đấm vào mặt, khiến chiến sĩ CSGT bị gãy 2 răng cửa, mất rất nhiều máu.

Đây không phải lần đầu người vi phạm có hành vi chống đối lực lượng CSGT. Điều này là thực tế đáng báo động và đặt ra nhiều câu hỏi về ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân và vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật của các ngành.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Hiện nay, xảy ra nhiều tình trạng chống người thi hành công vụ, chống cảnh sát giao thông khi họ làm nhiệm vụ. Thực trạng này nói lên việc chấp hành pháp luật cũng như tình trạng giao thông vốn phức tạp ở Việt Nam.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM)

Các sự việc này đã để lại những hình ảnh không đẹp trong dư luận và có phần phản cảm. Tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng này nhiều là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà ngành giao thông cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Những hành vi này không văn minh và thể hiện sự lạc hậu cho nên chúng ta cần có các biện pháp hữu hiệu hạn chế”.

Theo luật sư Hùng, tùy theo tính chất hành vi, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự - Tội chống người thi hành công vụ.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ, tình trạng này được báo chí và truyền thông đưa nhiều, nhưng nó vẫn tiếp tục xảy ra và thậm chí không giảm là do nhiều nguyên nhân cả từ người vi phạm và phía CSGT, do ý thức pháp luật, sự nghiêm túc và minh bạch của CSGT khi làm nhiệm vụ cũng là điều cần quan tâm, tuyên truyền pháp luật giao thông còn hạn chế, nhận thức về hành vi còn thấp, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông nên khi bị CSGT yêu cầu dừng thì không làm chủ được hành vi mà bất chấp tuân lệnh là xảy ra nhiều tại Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm lên án hành động côn đồ của người vi phạm khi chống lại lực lượng CSGT, luật sư Hùng nhấn mạnh: “Dù gì theo tôi cũng không nên có hành vi chống người thi hành công vụ vì như vậy càng thể hiện ý thức mình còn kém và để lại những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Nếu cho rằng mình bị oan sai thì vẫn được quyền khiếu nại lên cấp trên theo trình tự luật định không nên có những hành vi chống đối bằng vũ lực”.

Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

(Trích Bộ Luật hình sự hiện hành)

Hồng Chuyên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-csgt-ha-noi-bi-danh-gay-rang-sao-hien-tuong-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-khong-dut-post211478.info