Vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông: Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Vụ cháy quán karaoke đặc biệt nghiêm trọng tại dãy nhà cao tầng trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 01/11/2016 đã khiến 13 người tử vong. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm thiệt hại về người và tài sản trong vụ việc này?

Để làm rõ hơn về trách nhiệm vụ việc, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Vũ Văn Quyết, Giám đốc công ty TNHH Nhân Tâm Luật.

Luật sư Vũ Văn Quyết, Giám đốc công ty TNHH Nhân Tâm Luật

Theo Luật sư Vũ Văn Quyết, nếu nguyên nhân đám cháy là do người thợ hàn xì gây cháy biến quảng cáo của quán karaoke sau đó cháy lan sang 3 nhà khác thì người thợ trực tiếp hàn xì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự:

“Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.”

Nếu có căn cứ xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người được quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự:

“Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.”

Nếu khi đang hàn biển quảng cáo, cơ sở kinh doanh Karaoke vẫn đang hoạt động kinh doanh, không đảm bảo các quy định về PCCC thì chủ cơ sở có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định tại Chương XXI của Bộ luật dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp có căn cứ xác định thiệt hại do nhiều người gây ra thì tất cả những người này phải cùng liên đới bồi thường.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông

Nếu quán Karaoke bị sự cố chập điện gây cháy nhà và lan sang các nhà khác thì có căn cứ để xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản. Do đó, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, chủ cơ sở Karaoke còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản đã gây ra theo qui định.

Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính và bị xử phạt cụ thể như sau:

Đối với hành vi không có giấy phép đăng ký kinh doanh Karaoke:

Điều 17 – Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về giấy phép trong tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng:

“3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh;”

Đối với hành vi không đảm bảo điều kiện an ninh trật tự trong hoạt động kinh doanh:

Điều 11 – Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

Đối với hành vi không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy:

Điều 36 – Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng:

“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.”

Tổng mức phạt mà chủ cơ sở Karaoke phải nộp từ 23.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trên.

Như vậy, đối với vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở thì mới có thể quy trách nhiệm cho chủ cơ sở.

Hà Long

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tu-van-phap-luat/vu-chay-karaoke-o-tran-thai-tong-ai-la-nguoi-phai-chiu-trach-nhiem-d102485.html