Vụ bồi thường do dừng dự án cảng Kê Gà: UBND tỉnh Bình Thuận cố tình 'né' Tòa?

Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn TKV phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dừng quy hoạch dự án cảng Kê Gà nhưng UBND tỉnh từ chối. Doanh nghiệp khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại nhưng cả 6 lần Tòa mời UBND tỉnh và TKV thay nhau vắng mặt.

Quyết định tạm ngừng phiên tòa

Thiệt hại nhiều tỷ đồng từ việc dừng dự án

Năm 2003, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định cho Công ty TNHH Đức Hạnh thuê đất để xây dựng khu du lịch Đức Hạnh tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Năm 2004, Công ty Đức Hạnh xin giấy phép và tiến hành xây dựng khu du lịch.

Năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn 2747/SXD-QHĐT đề nghị Công ty Đức Hạnh dừng thi công công trình để quy hoạch xây dựng dự án cảng Kê Gà.

Năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định 1421/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty Đức Hạnh để Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân thuê đất để xây dựng cảng Kê Gà (sau đó chỉ còn Tập đoàn TKV đầu tư dự án này). Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi quyết định 1421/QĐ-UBND.

Năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 3531/UBND-ĐTQH về việc bồi thường hỗ trợ thiệt hại do việc dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà. Sau khi có tin sẽ được bồi thường thiệt hại, Công ty TNHH Vạn Trụ (tiền thân là Công ty Đức Hạnh) đã tin tưởng vay thêm 9 tỷ đồng để cải tạo lại các công trình đã bị xuống cấp trong nhiều năm và đã gửi đơn yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận và TKV bồi thường và hỗ trợ.

TKV phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành đã tiến hành kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà. UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các DN. Tuy nhiên, TKV đã không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không xem xét bồi thường cho Công ty Vạn Trụ.

Sau đó Công ty Vạn Trụ khiếu nại, TKV có văn bản số 6322/TKV-ĐT ngày 29/12/2017 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận “xem xét và thống nhất không bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho Công ty TNHH Vạn Trụ”.

Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 283/UBND-ĐTQH gửi Bộ Công thương cho rằng, thực tế tại thời điểm Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để đầu tư xây dựng cảng Kê Gà thì Công ty Vạn Trụ đã có xây dựng một số hạng mục công trình trên đất và có thiệt hại. UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét đơn kiến nghị bồi thường, hỗ trợ cho công ty Vạn Trụ. Thế nhưng, TKV đã bỏ qua ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận để từ chối việc bồi thường đối với công ty Vạn Trụ.

Ngày 20/6/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6388/VPCP-VI nêu: “Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì phối hợp với TKV kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại để bồi thường cho Công ty TNHH Vạn Trụ theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngày 10/5/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 1846 gửi Bộ Công Thương báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Vạn Trụ. UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, công ty TNHH Vạn Trụ “không hợp tác”, “không cung cấp được tài liệu” để chứng minh thiệt hại về tài sản dự án và kết luận “không có cơ sở để xác định thiệt hại của công ty”.

Ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 2974 gửi TKV cho rằng, tại Thông báo số 167/TB-UBND ngày 06/4/2018 có nêu: UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị TKV sớm triển khai thuê tư vấn pháp luật để cùng phối hợp với UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, tránh để tồn đọng, kéo dài, phức tạp. Như vậy, UBND tỉnh Bình Thuận xác định Công ty TNHH Vạn Trụ có thiệt hại do dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà nên đã đề nghị TKV giải quyết bồi thường.

Quyết định hoãn phiên tòa do UBND tỉnh vắng mặt không lý do

UBND tỉnh và TKV cố tình kéo dài vụ án

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay TKV đã có thỏa thuận riêng với một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà và ứng trước hàng chục tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Trong khi UBND tỉnh Bình Thuận chưa ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.

Do UBND tỉnh Bình Thuận và TKV từ chối bồi thường thiệt hại cho công ty TNHH Vạn Trụ nên Công ty đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên buộc UBND tỉnh bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 30/6/2011 thu hồi đất của Công ty TNHH Vạn Trụ thuê để đầu tư xây dựng cảng Kê Gà.

Tòa triệu tập xét xử 6 lần thì 4 lần UBND tỉnh vắng mặt

Ngày 24/7/2018, TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý giải quyết vụ án. Sau nhiều lần mời đối thoại và cung cấp chứng cứ, ngày 25/4/2019, TAND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, UBND tỉnh vắng mặt không rõ lý do, phiên tòa phải hoãn lại. Sau đó, từ tháng 5/2019 đến tháng 9/2019, Tòa án đã triệu tập 4 lần để xét xử vụ án nhưng UBND tỉnh, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh và đại diện TKV thay phiên vắng mặt nên phiên tòa tiếp tục bị hoãn. Đến ngày 18/10/2019, Tòa án tiếp tục triệu tập để xét xử, tuy nhiên UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục vắng mặt. Tại phiên tòa này, đại diện TKV yêu cầu người khởi kiện cung cấp chứng cứ. Đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận yêu cầu dừng phiên tòa để thu thập biên bản tống đạt yêu cầu kiểm kê tài sản của Công ty Đức Hạnh.

Vì vậy, HĐXX ban hành quyết định tạm dừng phiên tòa với lý do: “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa được”.

Quyết định hoãn phiên tòa do TKV vắng mặt không lý do

Luật sư Trần Hải Đức, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện cho rằng, tại phiên tòa, TKV yêu cầu người khởi kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc thành lập công ty Đức Hạnh; Biên bản góp vốn tại công ty Đức Hạnh; hồ sơ chuyển đổi pháp nhân từ Công ty Đức Hạnh sang Công ty Vạn Trụ; hồ sơ liên quan đến dự án du lịch của Công ty Đức Hạnh là không có căn cứ. Bởi lẽ, các yêu cầu này đã có trong hồ sơ vụ án. Trong khi đó, nhiều lần đối thoại TKV không có ý kiến gì, 6 lần Tòa triệu tập xét xử thì 4 lần UBND tỉnh vắng mặt, TKV 2 lần vắng mặt. 15 tháng sau ngày Tòa án thụ lý vụ án, TKV và đại diện VKS lại yêu cầu dừng phiên tòa để cung cấp chứng cứ là trái quy định của pháp luật, cố tình kéo dài vụ án.

Luật sư Trần Hải Đức cho biết thêm, sau khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán chủ tọa đã yêu cầu người khởi kiện làm đơn đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của TKV chứ Tòa án không thu thập, dù đây không phải trách nhiệm của bên khởi kiện. Khi có đủ chứng cứ thì Tòa án sẽ tiến hành đối thoại lại. Việc UBND tỉnh Bình Thuận và TKV luôn tìm lý do để kéo dài vụ kiện đã khiến phiên tòa kéo dài chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Luật sư Trần Đức Hải kiến nghị TAND tỉnh Bình Thuận sớm xem xét các chứng cứ khách quan đã có để nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ án.

Phong Vân

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/vu-boi-thuong-do-dung-du-an-cang-ke-ga-ubnd-tinh-binh-thuan-co-tinh-ne-toa-26882.html