Vụ bất ngờ xả lũ: Thủy điện Hố Hô gọi điện báo nhiều nơi không nghe máy?

Chưa bao giờ người dân mỏng manh trước thiên thai như vậy, điển hình qua việc thủy điện Hố Hô và An Khê - Kanak bất ngờ xả lũ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý sai phạm thế nào, người dân bao giờ được bồi thường? Liệu dân có được sống an lành không?

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên).

Đó là chất vấn của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung (Điện Biên) đối với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 15/11.

Làm rõ vấn đề này, ông Tuấn Anh cho biết: Trước khi Quốc hội khai mạc, bộ đã có báo cáo dài gần 20 trang báo cáo rất toàn diện, đầy đủ, từ công tác quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư, phân cấp quản lý các thủy điện… trong đó có các phương án vận hành, xả lũ.

Báo cáo với Quốc hội là chúng ta không phát triển thủy điện cũng như các dự án điện khác bằng mọi giá. Chúng ta đã đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Về cơ bản thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, các thủy điện nhỏ và vừa căn cứ nghị quyết 62 đã xem xét, đánh giá lại và đưa ra quy hoạch nhiều dự án không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Hiện nay chúng ta có hơn 336 dự án thủy điện.

Nhưng trên thực tế, Bộ trưởng Công thương cho biết, có tồn tại thực tế là các đập khi xả lũ thì gây bức xúc cho dân, cho dư luận xã hội. Ví dụ như thủy điện Hố Hô và An Khê Kanak vừa qua.

"Chúng tôi đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra. Qua đó phát hiện các vấn đề như quy trình thì đã có nhưng khi thực hiện lại cứng nhắc, chưa đầy đủ.

Ví dụ chúng ta quy định là xả lũ thì phải thông báo với chính quyền và người dân địa phương, nhưng cách thức thông báo nhiều khi lại không đến nơi. Ví dụ chủ đập phải thông báo cho các xã ở hạ lưu nhưng không nói rõ là thông báo bằng hình thức nào, nên có những thông báo không đến đầy đủ, ví dụ mất điện hay đánh kẻng mà không nghe thấy.

"Vừa rồi thủy điện Hố Hô thì xảy ra tình trạng gọi điện nhưng không nghe máy, ảnh hưởng đến quá trình liên lạc giữa nhà máy thủy điện và các địa phương. Hệ thống quan trắc không được tốt cũng là nguyên nhân xảy ra các vấn đề ở các thủy điện", ông Trần Tuấn Anh nói.

Thứ hai có phương án phòng chống nhưng diễn tập thực hiện chưa tốt. Thậm chí như Hố Hô, khi chủ đập gọi điện thì không nghe máy nên địa phương không đảm bảo được thông tin.

Thứ ba, theo dõi dự báo thời tiết chưa được đảm bảo để chủ động phối hợp xả lũ. Tới đây sẽ đánh giá lại toàn bộ chất lượng phòng chống lụt bão, xem xét tổ chức tập huấn làm rõ trách nhiệm, chế tài kèm theo.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Dung thẳng thắn cho biết “tôi chưa bằng lòng với câu trả lời này".

Đại biểu Dung tiếp tục chất vấn: “Thủy điện xả lũ không báo trước, vừa rồi thủy điện Hố Hô xả lũ thì Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh không biết, nhiều người dân không biết. Xả lũ vào lúc chập tối, nước lên tứ bề, bà con không biết chạy đi đâu. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm”.

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Về xả lũ thủy điện Hố Hô, chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng. Đúng là đồng chí Bí thư tỉnh ủy có nói là không biết việc xả lũ này, nhưng thủy điện cho biết có báo cáo với ủy ban phòng chống lụt bão của tỉnh. Tôi cũng có nói là thủy điện Hố Hô có gọi điện báo nhưng một số xã không nghe máy, do đó chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại cả quy trình này.

Sau khi nghe đại biểu chất vấn và Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Thủy điện Hố Hô thì Bộ Công thương đã kiểm tra và khẳng định có sai phạm trong thực hiện quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Bộ chấn chỉnh lại ngay vấn đề xả lũ của thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn phải chịu thiệt hại.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-bat-ngo-xa-lu-thuy-dien-ho-ho-goi-dien-bao-nhieu-noi-khong-nghe-may-2192943.html