Vụ báng bổ kinh Koran: OIC kêu gọi Thụy Điển và Đan Mạch hành động

Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha bày tỏ thất vọng vì cho đến nay chưa có biện pháp nào được thực hiện tại Thụy Điển và Đan Mạch để ngăn các vụ báng bổ kinh Koran.

Người Hồi giáo Iraq tuần hành phản đối việc đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở Nassiriyah, ngày 30/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/7, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi Thụy Điển và Đan Mạch ngăn chặn các hành vi báng bổ kinh Koran, sau khi xảy ra nhiều vụ việc ở hai quốc gia Bắc Âu này trong thời gian gần đây.

Báng bổ kinh Koran tại Thụy Điển, Đan Mạch

Đan Mạch và Thụy Điển đã trở thành tâm điểm chú ý trong những tuần gần đây sau khi một số đối tượng cực đoan liên tục đốt hoặc có hành động báng bổ kinh Koran tại thủ đô của hai nước, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại các nước Hồi giáo trên khắp thế giới.

Nhiều quốc gia ở Trung Đông đã triệu đại diện ngoại giao của cả Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này.

Ngày 28/6, Salwan Momika, 37 tuổi, một người tị nạn Iraq, đã đốt cuốn Kinh Koran trong một cuộc biểu tình tại Quảng trường Medborgarplatsen, trước cửa ngôi đền lớn nhất thủ đô Stockholm.

Vụ việc này xảy ra chỉ 5 tháng sau một vụ tương tự trong cuộc biểu tình tháng 1/2023 ở trước cửa Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển, dẫn tới việc tẩy chay hàng hóa Thụy Điển và khiến Ankara quyết định tạm thời ngừng các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Thụy Điển.

Sau đó, một nhóm người biểu tình ở Thụy Điển đã có hành động đá vào cuốn sách mà họ gọi là kinh Koran. Ban đầu, những người này còn lên kế hoạch đốt quyển sách nhưng đã thay đổi vào phút cuối.

Đến ngày 21/7 vừa qua, nhóm cực hữu Danske Patrioter ở Đan Mạch đăng video ghi hình một người đàn ông đang đốt một cuốn sách dường như là cuốn kinh Koran và có hành vi xúc phạm quốc kỳ Iraq trước Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Copenhagen. Vụ việc đã gây tức giận trong cộng đồng Hồi giáo ở Iraq.

OIC họp bất thường

Ngay sau các vụ việc trên, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã kêu gọi Thụy Điển và Đan Mạch ngăn chặn các hành vi báng bổ kinh Koran.

Trong tuyên bố sau phiên họp bất thường cấp ngoại trưởng OIC, Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha bày tỏ "thất vọng vì cho đến nay chưa có biện pháp nào được thực hiện tại Thụy Điển và Đan Mạch liên quan vấn đề trên."

Ông cho biết sẽ dẫn đầu phái đoàn đến Liên minh châu Âu (EU) để hối thúc các quan chức EU thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tái diễn những hành vi báng bổ kinh Koran.

OIC cũng kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt về chống chủ nghĩa bài Hồi giáo.

Một loạt các quốc gia Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Ai Cập, Algeria, Bahrain… đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi báng bổ kinh Koran.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua nghị quyết thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa nhằm chống lại các phát ngôn thù hận.

Bộ Ngoại giao Iraq đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái trên của Đại Hội đồng. “Xúc phạm và khinh thường tín ngưỡng và tôn giáo có thể dẫn đến sự phân cực giữa các xã hội và gây ra những hành động cực đoan," tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ.

Các hành vi xúc phạm tín ngưỡng thường dẫn tới sự giận giữ và xung đột, biến sự khác biệt về quan niệm thành hận thù và bạo lực. Do đó, cần chống lại sự thù hận dưới mọi hình thức và tất cả các nước cần tăng cường giải quyết tình trạng này phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.

Đan Mạch, Thụy Điển tìm cách giảm căng thẳng

Hai quốc gia Bắc Âu đang xem xét sửa đổi pháp lý để cho phép cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi đốt kinh Koran.

Sau phiên họp trên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom và người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết hai nước sẽ tiếp tục đối thoại với tổ chức gồm 57 thành viên này.

Theo ông Billstrom, Thụy Điển sẽ nghiên cứu kỹ các khuyến nghị của OIC.

Biểu tình tại Kufa, Iraq, ngày 21/7/2023, phản đối hành vi đốt kinh Koran tại Đan Mạch. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hôm 27/7, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ "vô cùng quan ngại" về những hậu quả nếu tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình, trong đó có hành vi báng bổ bản sao cuốn kinh Koran.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TT của Thụy Điển, Thủ tướng Kristersson nhấn mạnh nước này đã bổ sung một số quy định liên quan việc cho phép thực hiện hành vi trên.

Ông lưu ý: "Nếu họ (người biểu tình) được phép, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số ngày có nguy cơ rõ ràng sẽ xảy ra điều gì đó nghiêm trọng. Tôi vô cùng lo lắng về hệ lụy từ những gì mà hành vi này."

Chính phủ Thụy Điển đã nhiều lần chỉ trích việc người biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm, gọi đây là hành động "bài Hồi giáo."

Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch ngày 30/8 thông báo sẽ nghiên cứu các biện pháp pháp lý để chấm dứt các vụ biểu tình có hành động đốt các văn bản thánh trong một số trường hợp.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đan Mạch lưu ý rằng các phần tử cực đoan đang tìm cách dàn xếp những vụ biểu tình như trên, buộc Copenhagen phải “nghiên cứu” về việc can thiệp những tình huống mà “các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác đang bị xúc phạm, và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh.”

Tuy nhiên, thông báo vẫn nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, điều này cần phải được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp và theo tinh thần không thay đổi thực tế rằng quyền tự do ngôn luận ở Đan Mạch có phạm vi rất rộng”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vu-bang-bo-kinh-koran-oic-keu-goi-thuy-dien-va-dan-mach-hanh-dong/886579.vnp