Vụ áp trần giá dầu Nga: Chuyên gia Mỹ, Anh ủng hộ; Indonesia không bị thuyết phục, lên tiếng chỉ trích Washington

Ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã phát biểu rằng, việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga có thể ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa khác và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trạm tiếp nhận của hệ thống đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga ở gần thị trấn Szazhalombatta, Hungary. (Nguồn: AFP)

Indonesia, một nước xuất khẩu hàng hóa lớn, nằm trong số các quốc gia vẫn chưa bị thuyết phục bởi các lập luận của Mỹ ủng hộ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Ông Indrawati khuyến cáo: "Khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sử dụng các công cụ kinh tế, nó có tác động đến thị trường toàn cầu. Điều này gây bất ổn kinh tế, không chỉ đối với Indonesia, mà đối với tất cả các quốc gia khác và biện pháp đó sẽ phản tác dụng".

Trong bức thư mới đây gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, 16 nhà kinh tế học từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ và Anh cho rằng, việc áp mức trần giá dầu của Nga có thể làm giảm đáng kể doanh thu của Nga, đồng thời khuyến khích Nga đẩy mạnh sản xuất dầu.

Mức trần giá dầu, được Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí vào tháng trước, sẽ làm giảm doanh thu của Nga bằng cách tăng cường vị thế đàm phán của các khách mua dầu từ bất kỳ nước nào.

Các nhà kinh tế trên bao gồm Simon Johnson tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Jason Furman của Đại học Harvard và Ryan Kellogg của Đại học Chicago, đã viết trong bức thư rằng: "Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng tất cả các giao dịch sẽ được thực hiện dưới mức giá trần, nhưng sự tồn tại của mức giá trần sẽ làm tăng đáng kể khả năng thương lượng của các khách hàng mua dầu của Nga”.

Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã thông qua đợt trừng phạt thứ 8 chống lại Nga vì cuộc xung đột với Ukraine, bao gồm việc giới hạn mức trần giá dầu.

Tuy nhiên, EU cho biết, khối này cần phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện các lệnh trừng phạt này.

Lo ngại về sự không chắc chắn do mức trần giá dầu tạo ra là một lý do khiến các quan chức Saudi Arabia ủng hộ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, vào tuần trước.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm tăng chi phí năng lượng đối với các quốc gia đang gặp khó khăn và có thể khiến một số nước tìm kiếm cơ hội mua dầu dưới mức trần khi châu Âu ngừng mua dầu của Nga sau ngày 5/12 tới.

Quan chức này cho biết: “Việc áp giá trần đối với dầu của Nga tạo ra cơ hội thực sự cho một số quốc gia đang đối mặt với thách thức mua dầu dưới giá trần để giảm bớt áp lực ngân sách và áp lực lạm phát”.

(theo Gulf News, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-ap-tran-gia-dau-nga-chuyen-gia-my-anh-ung-ho-indonesia-khong-bi-thuyet-phuc-len-tieng-chi-trich-washington-201678.html