Vụ 5000m2 đất được "hỗ trợ" 2,2 triệu đồng: Thủ tướng chỉ đạo làm rõ

(PL&XH)-Cuối cùng Thủ tướng Chính phủ cũng vào cuộc vụ tỉnh Hà Nam "hỗ trợ" 2,2 triệu đồng để "lấy" 5000m2 đất mà gia đình ông Lê Hồng Ngọc, trú tại xóm 2, thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên bỏ bao nhiêu công sức cải tạo và đang canh tác 30 năm nay.

Bây giờ có người đặt câu hỏi, nếu không có vụ Đoàn Văn Vươn xảy ra có lẽ gia đình ông Ngọc cũng đành "ngậm đắng nuốt cay" nhìn mảnh đất 5000m2 biến thành đường mà tỉnh chỉ chịu "nhả" 2,2 triệu đồng gọi là "hỗ trợ".

Số tiền 2,2 triệu đồng "hỗ trợ" đó chỉ đáng giá một chai rượu Tây loại "bình dân" của mấy "vị" đốt tiền chùa. Hay nói cho "gần" thì cũng chỉ giá bằng đàn vịt nhà ông Ngọc đẻ trứng một đêm. Chuyện thật mà như bịa.

Ông Ngọc luôn tin rằng dù được bao biện ở cấp độ nào thì sự thật cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ. Ảnh : Hùng Sơn

Bởi vậy, ban đầu chúng tôi chưa tin, nhưng về Hà Nam 3 lần, tiếp xúc với gia đình ông Ngọc, với lãnh đạo xã, huyện, tỉnh mới "vỡ" ra được nhiều điều. Những điều đó chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài trên báo PL&XH năm 2011, buồn thay, đều như “nước đổ lá khoai". Có lẽ với nhiều người khác thì đã "buông" nhưng ông Ngọc lại không, đó chính là điều chúng tôi cảm phục ở ông, dù huyện, tỉnh "nói không" với đền bù khi thu hồi đất, nhưng ở tuổi 80, ông Ngọc vẫn cần mẫn gửi đơn thư kêu cứu. Bởi ông tin sự thật dù được bao biện ở cấp độ nào thì cuối cùng chân lý phải thuộc về lẽ phải.

Lẽ phải ông Ngọc tin là 5000m2 đất huyện Duy Tiên lấy để làm đường nằm trong diện tích hơn 10ha mà gia đình ông sử dụng không có tranh chấp từ năm 1982 đến nay. Nếu huyện lấy để làm đường thì gia đình ông phải được bồi thường theo qui định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Nghi 78 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Tân thời bấy giờ xác nhận: "Khi đó vùng ao ruộng ấy là vùng đất hoang hóa, đã có nhiều đơn vị đến làm nhưng không làm được nên họ đều bỏ. Từ năm 1982, ông Ngọc đã đến làm cho tới nay".

Cuối năm 2009 một con đường mới mở vắt qua khu đất nhà ông canh tác, “ngoạm” mất 5000m2. Ngày 26 Tết năm đó xã, huyện với các lực lượng chức năng hùng hậu có mặt để "bảo vệ" cho đơn vị thi công.

Cái "lý" của huyện, tỉnh đưa ra là UBND xã Tiên Tân là "chủ đất" chứ không phải gia đình ông Ngọc nên không được bồi thường. Ông Ngọc "chết cay chết đắng" bởi ngần ấy năm trời làm lụng đóng thuế đầy đủ, chưa khi nào UBND xã Tiên Tân phủ nhận ông không phải là chủ đất cả.

Để "hợp pháp hóa" việc ông Ngọc không phải là "chủ đất", ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên và ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đều phê phán cấp xã Tiên Tân là có thiếu sót khi không ký hợp đồng khoán thầu cho ông Ngọc. Cứ cho điều đó là đúng đi thì "quan" sai phải lôi ra "xử", sao lại bắt dân phải chịu?

Vậy là phải đối thoại. Đáng lẽ cuộc đối thoại diễn ra ngày 24-8-2011, thời gian đối thoại bắt đầu vào lúc 8h thì 7h cán bộ văn thư xã Tiên Tân mới cầm giấy mời đưa cho gia đình ông Ngọc. Như thế khác gì đánh đố nhau? Và cuộc đối thoại phải lùi lại vào ngày 6-10-2011.

Tham gia đối thoại có đại biểu Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước và các cơ quan ngôn luận, đại diện các sở ban ngành tỉnh Hà Nam. Hai luật sư được gia đình ông Ngọc mời là ông Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Luật Hồng Bách và cộng sự và luật sư Lê Hồng Phúc, Đoàn Luật sư Thái Bình đã trình bày các luận cứ và căn cứ pháp lý chứng minh gia đình ông Ngọc đã sử dụng ổn định diện tích đất tại khu Đồng Leo, xã Tiên Tân từ trước những năm 1989, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Không có bất kỳ một văn bản nào cho thấy gia đình ông Ngọc nhận khoán diện tích đất này với UBND xã. Quá trình thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông Ngọc có nhiều điểm trái với các qui định của pháp luật về quản lý đất đai.

Cuối buổi đối thoại, ông Đông chả cần ý tứ mà lôi tuột văn bản đã soạn sẵn ra đọc vanh vách "chốt" lại vấn đề: Diện tích hơn 5000m2 mà gia đình ông Ngọc khiếu nại thuộc quyền quản lý của UBND xã Tiên Tân, do vậy không được đền bù.

Ông Ngọc đứng chôn chân nhìn những chiếc xe ô tô biển xanh lao nhanh ra khỏi cổng UBND xã Tiên Tân, nơi diễn ra cuộc đối thoại. Có lẽ trong 30 năm cùng gia đình đổ mồ hôi, tiền bạc cải tạo đất, ông cũng đã nhiều lần chết lặng trên bờ ruộng khi mùa thu hoạch đến nơi thì bị ông trời dở chứng "cướp trắng". Nhưng thiên tai còn có thể dự báo được, còn có thể làm lại được mùa sau, lòng người ai biết được nông sâu và không thể đoán biết.

Ông Ngọc giật mình khi nghĩ đến 10ha đất mà gia đình đang canh tác. Nơi đó trong tương lai sẽ mọc lên khu đô thị, khi 5000m2 đất này "lấy" được ngon lành, 10ha kia rồi thể nào cũng "chung số phận"? Và ông Ngọc lại lọ mọ viết đơn kêu cứu, việc của gia đình ông cỏn con, lồ lộ thế rồi mà phải kêu lên Thủ tướng đó là việc ông không hề muốn. Nhưng với ông, chả còn sự lựa chọn nào khác. Niềm tin vào công lý của ông đã có hy vọng, Thủ tướng đã không "bỏ qua" việc này và đã có chỉ đạo giải quyết. Ở tuổi gần đất xa trời, ông Ngọc vẫn chờ…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại; việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc và tình trạng đơn, thư khiếu nại ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; tổ chức đối thoại công khai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hùng Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120321085839934p1005c1025/vu-5000m2-dat-duoc-ho-tro-22-trieu-dong-thu-tuong-chi-dao-lam-ro.htm