Vụ 3 anh em ruột tử vong ở Hải Dương: 'Tôi khẳng định nạn nhân gặp nạn không phải do ngạt khí'

'Thực tế trong sự việc này, 3 anh em ruột tử vong là do ngộ độc khí chứ không phải ngạt khí', ông Thái khẳng định.

Thời gian qua, việc 3 anh em ruột Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) trú tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) bị tử vong do ngạt khí hầm biogas đã gây rúng động làng quê khiến nhiều người dân bàng hoàng, thương xót.

Cho đến thời điểm này, khi hậu sự của các nạn nhân đã được hoàn tất, nỗi đau của người thân, họ tộc phần nào được nguôi ngoai và mọi người cũng hiểu các nạn nhân xấu số tử nạn là do ngạt khí độc dưới hầm ga.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đó không phải là nguyên nhân chính, bởi lẽ trong khi các nạn nhân đã có hành động xử lý khí độc trước khi xuống sửa chữa.

Rất nhiều đoàn từ thiện, nhà chùa đến thắp hương, hỏi thăm, chia buồn và sẻ chia 3 nạn nhân xấu số. Ảnh: Đ.Tùy

Liên quan đến vấn đề trên, PV Báo Gia đình & Xã hội đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thái – Chủ tịch Hội khí sinh học tỉnh Hải Dương, ông Thái Khẳng định: “Cho đến lúc này, mọi người đang hiểu nhầm và hiểu chưa đầy đủ về nguyên nhân. Thực tế trong sự việc này, 3 anh em ruột tử vong là do ngộ độc khí chứ không phải ngạt khí”.

Chủ tịch Hội khí sinh học Hải Dương cho hay, sau khi biết được thông tin, ông đã xuống chia buồn cùng gia đình và đến khu hầm biogas nơi xảy ra sự việc quan sát, tìm hiểu. Đến nơi, ông nhận thấy khu hầm này được tự tay 3 anh em xây dựng theo kiểu KT1 và đúng quy định, tiêu chuẩn.

Sau khi tìm hiểu thông tin từ người nhà nạn nhân, ông Thái có những nhận định ban đầu, hầm biogas có chiều cao 2,5m, diện tích 10 khối và có một nửa là chứa phế phẩm vật nuôi.

Báo cáo sự việc 3 anh em ruột tử vong của Ban Công an xã Gia Xuyên. Ảnh: Đ.Tùy

Do đường ống dẫn của phế thải của vật nuôi bị tắc, vì vậy trước khi xảy ra sự việc một ngày các nạn nhân đã mở nắp hầm ga, bơm cạn một nửa số nước trong bể chứa.

Đến ngày hôm sau, anh Đươm tiếp tục tiến hành dọn và đã đưa chiếc thang xuống hầm, đồng thời khi nạn nhân trèo xuống đã khuấy nước dưới hầm. Lúc này, khí ở bên trong dưới đáy sẽ bung lên tạo thành các bọt cho và khí độc thoát ra từ phía dưới đáy hầm chứa phế phẩm.

Cho nên, anh Đươm đã hít phải khí đó khiến nạn nhân bị rơi xuống. Thấy con gặp nạn, bà Tăng Thị Mơ (SN 1960) gọi con trai út Tăng Văn Đới đến ứng cứu anh trai mình. Tuy nhiên, người con út đi xuống thì khí càng bung lên nhiều hơn và nạn nhân đã hít phải ngộ độc, sau đó anh trai cả cũng bị tương tự.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Chủ tịch Hội khí sinh học tỉnh Hải Dương trao đổi với PV Báo GĐ&XH. Ảnh: Đ.Tùy

Ông Thái lý giải, thực ra 3 nạn nhân biết trong hầm có chứa khí độc là meta, chính vì vậy trước khi trèo xuống hầm để sửa các anh đã biết bơm nước cạn và bật nắp cho khí độc trên bề mặt thoát ra.

“Vấn đề ở đây là 3 anh em chủ quan, cứ nghĩ toàn bộ khí đã bay ra hết sau khi bật nắp hầm để qua 1 đêm, 1 ngày mà không biết ở phía dưới chất lỏng của lớp phế phẩm gia súc vẫn còn khí độc. Cho nên, chỉ cần chạm nhẹ vào đó thì khí sẽ lập tức bay lên”, Chủ tịch Hội khí sinh học tỉnh Hải Dương cho biết.

Bởi lẽ, khí độc này nằm ở 2 thể gồm trên bề mặt và dưới lớp phế phẩm. Vì vậy, khi mở nắp ra thì chỉ có lớp khí bên trên thoái được, còn lớp khí phía dưới chất lỏng sẽ ứ đọng lại. Nếu hầm xây càng lâu thì lớp khí ở dưới càng nhiều và chỉ khi nào có sự tác động đến thì khí đó sẽ thoát lên theo bọt bay lên.

“Cho nên đúng ra, sau khi bật nắp chúng ta nên hút toàn bộ dịch trong hầm lên để kiểm tra xem ở phía dưới có bị hở, bị nứt và có khí độc hay không.

Thông thường kiểm tra khí độc dưới hầm bằng cách thả những con vật nuôi nhỏ như: gà con, ngan con… Nếu những con vật này mà chết tức là vẫn còn khí độc thì không nên xuống và tìm cách xử lý", ông Thái thông tin.

Vị trí miệng hố ga, nơi 3 anh em ruột tử nạn. Ảnh: Đ.Tùy

Trước câu hỏi loại khí này gây ảnh hưởng như thế nào tới tính mạng, ông Thái cho biết: “Đây là khí CH4 hay còn gọi là metan, nếu chúng ta hít phải khiến tất cả các cơ của con người bị mềm, trụy tim mạch và trụy hô hấp. Người hít phải khí này biết nhưng không thể nào gọi người trợ giúp được vì mất hết cảm giác.

Cho nên, nếu phát hiện sớm thì nhanh chóng kéo người đã hít phải khí độc lên trên cho thở ôxi, hô hấp nhân tạo kịp thời và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu".

Cũng theo ông Thái, khi hầm biogas gặp sự cố cần xem bị tắc ở chỗ nào và xem tỉ lệ giữa mực nước, phế phẩm trong hầm có cân đối hay không.

Từ đó, sẽ tiến hành bơm nước từ ngoài vào hầm giúp cho phế phẩm bị loãng ra và sau đó bươm nước từ phía trong hầm ra ngoài tạo nên một chu kỳ tuần hoàn để khí độc bị loãng và chìm xuống.

Đối với trường hợp chúng ta đứng trên miệng hố ga cầm vật dụng khuấy xuống thì vẫn bị ngộ độc khí như thường nếu chúng ta hít phải. Cho nên, phải hút hết toàn bộ nước và chất lỏng của phế phẩm, sau đó để khô cho khí độc bay hết.

Đức Tùy

Xem bé Đức Anh đọc Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-3-anh-em-ruot-tu-vong-o-hai-duong-toi-khang-dinh-nan-nhan-gap-nan-khong-phai-do-ngat-khi-20170517161505449.htm