Vòng xoáy ngân hàng, fintech và khách hàng

Thực ra phương thức chuyển tiền bằng tin nhắn qua điện thoại đã được một vài công ty giới thiệu với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 2007. Nhưng ít ai ngờ, sau khoảng chín năm, phương thức được biết đến với tên fintech này lại có thể trở thành mối “đe dọa” đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống.

Fintech: Bước một chân, thò một tay…

Payoo, BaoKim, NganLuong hay MoMo là những công ty đầu tiên được NHNN cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ trung gian thanh toán. Dù những ngày đầu thành lập họ chỉ hạn chế ở một số hoạt động thanh toán trực tuyến dành cho thương mại điện tử, nhưng đến nay, các công ty này đã có bước phát triển vượt bậc. Chính những người trong cuộc “tiết lộ” là mức tăng trung bình khoảng 100%/năm. Tốc độ tăng trưởng, và tất nhiên kèm theo đó là lợi nhuận, đã khiến các fintech kiên nhẫn trước sự thận trọng của cơ quan quản lý khi thời gian thí điểm thực hiện lên đến 5 năm. Không ít người cũng hồi hộp chờ đợi cơ hội thành lập fintech khi cơ quan quản lý kết thúc giai đoạn thí điểm và chính thức ban hành Thông tư 39/2014 - TT/NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Chỉ trong hai năm, 2015 - 2016 NHNN đã cấp phép cho 16 đơn vị không phải là ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo Thông tư 39, các đơn vị này được cung cấp: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (gồm chuyển mạch tài chính; thanh toán bù trừ điện tử; cổng thanh toán điện tử); và Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (gồm: hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử; ví điện tử). Quy định thì ngắn gọn là thế, nhưng thực tế các đơn vị này hiện đang triển khai nhiều phương thức thanh toán với hàng trăm dịch vụ tiện ích như: thanh toán trực tuyến tại hàng nghìn website bán hàng online; thanh toán thẻ điện thoại, thẻ game, vé máy bay, vé xem phim... thậm chí cả chuyển tiền, rút tiền. Sự phát triển chóng mặt của các hình thức thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đã khiến cơ quan quản lý có phần e ngại và phải lưu ý người tiêu dùng rằng, các đơn vị này không phải là ngân hàng để người dân cẩn trọng hơn trong giao dịch nhằm phòng ngừa rủi ro.

Sự phát triển của các fintech ngoài việc do có sự “ủng hộ” nhiệt tình của số người dùng điện thoại và in-tơ-nét không ngừng, thì cũng phải thừa nhận bản thân các công ty cung ứng đã có những bước đi khôn ngoan. Từ những dịch vụ đơn giản ban đầu, các fintech đã bước một chân, thò một tay vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán. Sau một thời gian, với sự đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, các fintech đã nhanh chóng bắt tay với ngân hàng để triển khai thêm hàng trăm dịch vụ. Đơn cử, từ năm 2011, Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến VietUnion (nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Payoo) đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thanh toán hóa đơn với hàng chục ngân hàng (Eximbank, HDBank, TienPhongBank, VPBank, LienVietPostBank, SCB, DongAbank, Navibank…). Hay Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (Ví MoMo) tự ví mình như “cánh tay nối dài” mang dịch vụ tài chính, thanh toán đến vùng sâu, vùng xa khi có liên kết với Vietcombank, VPBank, OCB, Sacombank, Eximbank, TPBank…

Ngân hàng: Mặt ngoài tuy đã, tình trong còn e!

Hợp tác để cùng phát triển là phương thức được các fintech và nhiều ngân hàng lựa chọn. Vì xét cho cùng, sự bắt tay này ba bên cùng có lợi: fintech ngân hàng và cả khách hàng. Trong khi fintech có thế mạnh về hạ tầng công nghệ thì ngân hàng có uy tín, có tiềm lực tài chính và đặc biệt là số lượng khách hàng đông đảo. Sự hợp tác này mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích; và cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho cả ngân hàng, lẫn fintech. Nhưng, phải thừa nhận thực tế là “hiện đại thì hại điện”. Cùng với lợi ích thì cũng có rủi ro xảy đến cho ngân hàng, khách hàng. Và khi điều không mong muốn xảy ra, có thể khách hàng mất một, nhưng ngân hàng mất mười. Bởi họ không chỉ mất tiền (có thể đếm) được mà còn mất uy tín, mất thương hiệu... - những thiệt hại không thể đong đếm.

Chính vì thế, bên cạnh việc hợp tác với các fintech, ngân hàng luôn đồng thời duy trì các dịch vụ truyền thống; hệ thống phòng ngừa rủi ro. Mobibanking, internet banking dù có phát triển đến đâu thì những giao dịch tại quầy vẫn là nhu cầu, đòi hỏi của không ít khách hàng. Thậm chí, những sự cố trong thanh toán ngày càng tăng gần đây khiến ngân hàng đã chuyển một số dịch vụ tự động sang bán tự động. Tức là một số khâu nhất định khách hàng buộc phải đến ngân hàng để thực hiện chứ không chỉ giao dịch qua điện thoại hay máy tính.

Tất nhiên chúng ta không thể đi ngược với xu thế phát triển chung của thời đại, “từ chối” các fintech. Chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, ứng dụng công nghệ cao… là những gì chúng ta đang hướng tới. Sau Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, hiện NHNN đang xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt từ nay đến 2020. Nếu như trong giai đoạn triển khai đề án trước, các fintech mới được định hình, thì giai đoạn này có thể là sự phát triển bùng nổ. Làm thế nào để công nghệ được ứng dụng rộng rãi, giảm thiểu chi phí, nhưng phòng ngừa được rủi ro… là thách thức đối với nhà quản lý khi fintech phát triển. Nhưng liệu các fintech có thể chiếm lĩnh và dần thay thế các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống? Câu trả lời còn ở phía trước. Chúng tôi chỉ xin dẫn ra đây một câu chuyện:

Tháng 8-2016, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, một ngân hàng đã tổ chức sự kiện “Cây ATM biết nói”. Sau khi “trò chuyện” với cây ATM, một khách hàng trung tuổi đã nói: xã hội ngày càng phát triển khiến con người ta sống vội, thờ ơ và ít quan tâm lẫn nhau. Máy ATM này thì làm điều ngược lại, biết hỏi thăm tôi đi cùng ai, chúc sức khỏe và may mắn như một người thân quen…

Thực ra “Cây ATM biết nói” này chỉ là một mô hình. Khách hàng thực chất vẫn nói chuyện với giao dịch viên bằng xương bằng thịt ngồi sau ATM. Với sự phát triển của công nghệ, có thể trong tương lai sẽ có những cây ATM biết nói thật. Nhưng việc được lắng nghe và thấu hiểu là nhu cầu của không ít khách hàng. Còn những khách hàng như thế, thì vẫn còn những dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/31440702-vong-xoay-ngan-hang-fintech-va-khach-hang.html