'Vòng' trách nhiệm nhìn từ vụ cháy quán karaoke Cầu Giấy

Việc tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán karaoke... trên địa bàn thành phố của UBND Thành phố Hà Nội vừa qua là cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, giá như công tác này được diễn ra thường xuyên thì câu chuyện đau lòng, có lẽ sẽ không xảy ra như vậy! Hãy thử luận bàn về trách nhiệm của các bên liên quan...

Dù đã huy động mọi lực lượng, nhưng không nạn nhân nào may mắn được cứu sống trong vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội). (Ảnh: TL)

Trách nhiệm của đơn vị thiết kế

Trong những năm qua, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, quy định pháp luật phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động chung của đất nước. Trong xây dựng có Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; trong Phòng cháy và chữa cháy có Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Riêng với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vũ trường, quán karaoke, căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, ngày 6/10/2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Quy định pháp luật rõ ràng là vậy, nhưng tại sao thực tế vẫn không được thực thi để những sai phạm trong công tác PCCC cứ liên tục diễn ra?

Luận bàn về trách nhiệm của các bên liên quan, thứ nhất, trong công tác thiết kế, Thông tư số 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, quán karaoke có quy định cụ thể. Theo đó: “Thiết kế bậc chịu lửa của công trình phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình. Trường hợp cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke bố trí liền kề với các công trình khác thì tường ngoài tiếp giáp với công trình đó là tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa lớn hơn hoặc bằng 150 phút. Kết cấu xây dựng của công trình có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của công trình theo quy định tại QCVN 06: /BXD”.

Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan cũng được quy định cụ thể tại thông tư. Theo đó: “Diện tích cho phép lớn nhất của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy của cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke được xác định như nhóm công trình công cộng theo quy định tại QCVN 06: /BXD; Chiều cao cho phép của công trình phụ thuộc vào bậc chịu lửa của công trình theo quy định tại QCVN 06: /BXD, nhưng không vượt quá 50 m; Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy; Việc bố trí công năng và bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư trong công trình bảo đảm khả năng ngăn cản sự lan truyền của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy khi xảy ra cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các nhóm gian phòng có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau, giữa các tầng, các khoang cháy và giữa các tòa nhà; Các bộ phận ngăn cháy của công trình như tường, vách ngăn cháy, sàn ngăn cháy, vùng ngăn cháy, khoang ngăn cháy, lỗ cửa và cửa ngăn cháy được làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa theo quy định tại QCVN 06: /BXD...”

Như vậy, đối chiếu tại cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội) thì người thiết kế công trình đã đảm bảo đúng quy định pháp luật nêu trên chưa? Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của người thiết kế. Theo đó, người thiết kế phải bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế trong thời gian xây dựng và sử dụng công trình. Như vậy, ở đây người thiết kế cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm không đúng quy định pháp luật của mình.

Trách nhiệm của cơ quan thẩm định, nghiệm thu PCCC

Liên đới trách nhiệm cần phải bàn tới là cơ quan thẩm định, giám sát thi công và nghiệm thu công tác PCCC. Căn cứ theo Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC, sau khi có thiết kế, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan này sau đó thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của công trình thì công trình đó mới được thi công.

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải có trách nhiệm trong công tác thẩm định, nghiệm thu PCCC. Cụ thể: “a) Xem xét, trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế quy hoạch, hồ sơ thiết kế cơ sở; chấp thuận địa điểm xây dựng công trình; thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình quy định ...b) Kiểm định thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng. c) Kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.”

Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng theo kết quả cuộc rà soát của thành phố mới đây, tại sao trong tổng số gần 1.300 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng gần như tất cả các cơ sở đều có vi phạm về điều kiện an toàn PCCC? Riêng tại Quận Cầu Giấy, theo báo cáo của Phòng cảnh sát PCCC số 3 Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP. Hà Nội, trong tổng số 85 cơ sở được cấp phép và đang hoạt động thì có tới 62 cơ sở không có hệ thống báo cháy tự động; 62 cơ sở không có hệ thống chữa cháy vách tường theo quy định; 75 cơ sở có lối thoát nạn không đảm bảo theo quy định; 73 cơ sở không có hệ thống chữa cháy tự động theo quy định...

Vậy thì quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu đã được thực hiện đúng quy định pháp luật hay chưa? Nguyên nhân vụ cháy được xác định một phần là do đơn vị thi công “ăn bớt” các nguyên vật liệu, thiết bị về PCCC, vậy tại sao trước đó, cơ quan cảnh sát PCCC lại không giám sát chặt chẽ quá trình này? Liệu đã có chuyện thiết kế không đúng nhưng vẫn được thẩm định hay không?

Vấn đề trách nhiệm của cơ quan thẩm định, giám sát thi công cũng được quy định rõ trong Luật PCCC và các thông tư hướng dẫn, vậy trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, vẫn đề này đã được tính đến chưa? Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm làm rõ vấn đề này.

Nguyên nhân chính dẫn đến vụ cháy quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông, hiện đã được công an thành phố xác định là do thợ hàn cắt bản lề cửa tại tầng 2 khiến lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách gây cháy. Nhưng giả thuyết, nếu cơ quan chuyên trách đảm bảo công tác thẩm định, giám sát được thực hiện đúng quy định, thì dù có cháy, hậu quả có lẽ cũng không đến mức nghiêm trọng như vậy!

Tại phụ lục V Ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về danh mục phương tiện, thiết bị bảo hộ chữa cháy như máy hút, xe thang, xe thông tin ánh sáng, vòi mặt nạ phòng độc lọc độc, quần áo cách nhiệt, khẩu trang lọc độc, thiết bị dò tìm người... Những thiết bị này có thể giúp người chữa cháy chịu nhiệt cả giờ đồng hồ trong điều kiện cháy lớn. Vậy tại sao trong 6 giờ đồng hồ chữa cháy, nhưng lại không có chiến sỹ nào có thể “xông” vào cứu người?

Tại Hoa Kỳ, công tác PCCC luôn được cả thế giới học hỏi bằng sự chuyên nghiệp và lòng can trường của những người lính cứu hỏa. Với nhiều chiến tích đặc biệt, lực lượng cứu hỏa Mỹ được đánh giá về độ tinh nhuệ qua nhiều vụ cháy thế kỷ như vụ cháy làm thiêu rụi một phần lớn thành phố Boston năm 1872, vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới tại New York năm 2001…Bằng những thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới như vòi rồng, xe chữa cháy chuyên dụng, máy bay chữa cháy công suất lớn …Lực lượng cứu hỏa Mỹ đã ứng cứu được hàng trăm các nạn nhân trong các vụ cháy lớn.

Tại Việt Nam, Nhà nước mỗi năm đã đầu tư hàng tỷ đồng kinh phí để thực hiện các đợt diễn tập về PCCC, vậy cơ quan Cảnh sát PCCC đã được trang bị đầy đủ những thiết bị này chưa? Nếu đã trang bị, tại sao việc cứu hỏa không được thực hiện? Ở một góc độ khác, hiện trường vụ cháy xảy ra ngay trên trục đường chính, rất dễ tiếp cận, vậy tại sao kinh nghiệm diễn tập không phát huy được tác dụng? Hoặc phải chăng, các đợt diễn tập diễn ra chỉ mang tính hình thức?

Nhìn lại thống kê từ các đơn vị chức năng thành phố, đây không phải là vụ cháy quán karaoke đầu tiên có xuất phát từ việc không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC. Tuy nhiên, việc để hàng nghìn cơ sở kinh doanh karaoke dù không đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng vẫn được cấp phép hoạt động lâu nay đã cho thấy sự “dễ dãi” của các lực lượng chức năng và cơ quan chuyên trách. Thiết nghĩ, cần có cuộc kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm vấn đề này.

Chúng tôi xin được tiếp tục nội dung vấn đề ở bài báo tiếp theo.

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/vong-trach-nhiem-nhin-tu-vu-chay-quan-karaoke-cau-giay.html