Vọng mãi lời tri ân

Tháng 7 - tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây cũng là thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống 'Đền ơn đáp nghĩa', 'Uống nước nhớ nguồn' luôn được Vĩnh Phúc xây dựng, gìn giữ để tri ân những người con của quê hương đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những hành trình ý nghĩa

Tháng 7 về trong niềm rưng rưng, xúc động. Từ khắp các nghĩa trang đến đài tưởng niệm liệt sĩ và mỗi gia đình, đâu đâu cũng thấy những hành động tri ân ý nghĩa. Những tình cảm của nhân dân trên mọi miền đất nước đang làm ấm lòng các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, động viên để họ vơi bớt đau thương, mất mát…

Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại những địa danh lịch sử gắn với công cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc. Ảnh: Trà Hương

Ngay từ đầu tháng tháng 7, Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn đã có hành trình về những chiến trường ác liệt năm nào để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Với những điểm đến như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Truông Bồn hay mảnh đất Vị Xuyên linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc… Tất cả các thành viên trong đoàn đã được ôn lại những năm tháng đau thương nhưng vô cùng trung dũng, kiên cường của đất nước và hướng lòng mình về những nơi biểu trưng cho quá khứ hào hùng, cho sự hy sinh lẫm liệt vì Tổ quốc thân thương.

Chia sẻ với phóng viên về những cảm xúc khi được đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Đài hương tưởng niệm 468-Tượng đài bất tử của miền “Đá nở hoa” Vị Xuyên, anh Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: "Được đến thắp hương, tri ân tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại mảnh đất Vị Xuyên lịch sử giúp tôi một lần nữa hiểu được những mất mát hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, để từ đó biết phấn đấu, cố gắng phát huy tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương đất nước".

Thấm nhuần đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã hăng hái tham gia nhiều hoạt động, phong trào cụ thể, thiết thực. Điều đó được thể hiện qua những đề án được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác giáo dục để thế hệ trẻ luôn nhận thức được trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, những người đã hiến dâng cuộc đời, máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng với những chuyến hành hương về các địa chỉ đỏ để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, tháng 7 cũng về trên quê hương Vĩnh Phúc với hàng vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ.

Ngày 27/7 đã trở thành ngày mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mãi mãi không được quên, không thể quên. Bởi trong sâu thẳm trái tim mình ai cũng hiểu: Sự tri ân của hậu thế dẫu lớn đến nhường nào, thì vẫn mãi mãi chưa thể xứng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do.

Nhiều hoạt động thiết thực

Thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; quan tâm thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Trà Hương

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 138.000 người có công, trong đó, có hơn 18.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng; 17 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định đối với người có công; thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng và một lần đối với người có công...

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hiếu, Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết hơn 3 nghìn hồ sơ trong lĩnh vực người có công, 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn. Trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện chế độ điều dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đối với gần 13 nghìn người, trong đó có gần 5 nghìn người điều dưỡng tập trung, gần 8 nghìn người điều dưỡng tại nhà…

Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, cùng với quà tặng của Chủ tịch nước, tỉnh đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng tặng quà cho gia đình chính sách, người có công. Đặc biệt, từ năm 2020, tỉnh đã nâng mức quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ đối với đối tượng người có công với cách mạng tăng gấp 2 lần so với trước đây.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước cho hơn 23 nghìn người có công, với số tiền hơn 7 tỷ đồng; tặng quà của tỉnh cho hơn 35 nghìn người có công, với số tiền gần 29 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), gần 28.700 suất quà của Chủ tịch nước và của tỉnh sẽ dành tặng các gia đình người có công trên địa bàn".

Có thể thấy, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Đối với người dân Vĩnh Phúc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, ngày 27/7 đã trở thành dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.

Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để mỗi chúng ta hiểu rằng: Tri ân, tưởng nhớ không chỉ là những việc làm cụ thể bằng chế độ chính sách, bằng những ngôi nhà tình nghĩa, bằng những gói quà, những lời nói động viên... Có một sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn cần phải được lưu tâm hơn, chú ý hơn ấy là hậu thế hôm nay phải sống sao để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Tháng 7 sẽ qua, nhưng sự linh thiêng, lòng biết ơn sẽ còn vang vọng mãi với những nghĩa cử để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh. Đó cũng cũng chính là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta cho hôm nay và mai sau.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96992//vong-mai-loi-tri-an