Vốn tín dụng chính sách 'chắp cánh' thanh niên khởi nghiệp

Nhằm tiếp thêm động lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý chí khởi nghiệp của thanh niên, những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp. Nổi bật trong đó phải kể đến việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập thấp, cuối năm 2018, anh Dương Văn Chăm, đoàn viên thanh niên thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn trở về quê hương. Được tổ chức đoàn hướng dẫn, anh vay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện 40 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Anh Chăm chia sẻ: Nhờ được Đoàn Thanh niên xã tư vấn, hướng dẫn, gia đình tôi được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình xuất bán trên 10 con bò, thu nhập đem lại trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ có vốn, tôi đầu tư mua máy cày, máy thu hoạch lúa phục vụ người dân trong xã, thu nhập đem lại thêm cho gia đình 60 triệu đồng/năm.

Không chỉ anh Chăm, phát huy tinh thần xung kích, tiên phong của tuổi trẻ, anh Hoàng Vũ, đoàn viên thanh niên thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ homestay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Anh Vũ chia sẻ: Xác định lập thân, lập nghiệp tại quê hương, vốn đối với tôi là rất quan trọng. Trong lúc đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn, năm 2023, được sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, tôi đã làm hỗ sơ vay 100 triệu đồng, theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh dịch vụ homestay. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, hiện trung bình mỗi tháng, homestay của tôi đón khoảng 50 đến 100 lượt khách đến lưu trú, doanh thu mang lại gần 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.

Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại NHCSXH ủy thác qua đoàn thanh niên quản lý đạt trên 939 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ vốn ủy thác với 443 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 14.400 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, một số chương trình tín dụng có dư nợ lớn như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Anh Đỗ Văn Thuần, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: Xác định công tác ủy thác vốn vay với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp, hằng năm, Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn thanh niên các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn chính sách. Đồng thời phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ ủy thác qua Huyện đoàn đạt trên 119 tỷ đồng với 2.173 lượt hộ vay. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn huyện có trên 80 mô hình thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm. Trong năm 2023, Huyện đoàn giúp đỡ 15 thanh niên nghèo là chủ hộ thoát nghèo.

“Nhiều năm qua, nguồn vốn cho vay ủy thác qua tổ chức đoàn thanh niên đã góp phần giúp nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế. Để đạt được kết quả đó, Tỉnh đoàn luôn tích cực chỉ đạo đoàn thanh niên các cấp phối hợp chặt chẽ với ngân hàng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh phối hợp giải ngân tăng trưởng nguồn vốn, đơn vị cũng phối hợp với ngân hàng để nâng cao chất lượng tín dụng, kịp thời thông tin chia sẽ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở với ngân hàng để phối hợp giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong thực hiện tín dụng chính sách, quan tâm củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn do Tỉnh đoàn quản lý. Nhờ đó, hiện nay 100% tổ tiết kiệm và vay vốn đều hoạt động tốt, khá; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ thấp 0,07% trong tổng dư nợ ủy thác.”
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh

Theo số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại NHCSXH ủy thác qua đoàn thanh niên quản lý đạt trên 939 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ vốn ủy thác với 443 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 14.400 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, một số chương trình tín dụng có dư nợ lớn như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Anh Đoàn Thành Công, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên thoát nghèo, từng bước lập thân, lập nghiệp bằng nguồn vốn chính sách. Cụ thể, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, đồng thời định hướng đoàn viên thanh niên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Song song với giải ngân, để nâng cao chất lượng nguồn vốn, hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay. Ngoài ra, Tỉnh đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra được 11 đơn vị cấp huyện; 11 xã, phường, thị trấn; 21 tổ tiết kiệm và vay vốn với 55 hộ vay.

Ngoài ra, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, tổ chức đoàn các cấp đều tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên. Như trong năm 2023, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thành đoàn phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên, trong đó ưu tiên nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật được 10 lớp; tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 4.932 thanh niên, trong đó có 1.305 thanh niên có việc làm ổn định.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn tỉnh có 160 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm. Trong năm 2023, Tỉnh đoàn giúp đỡ 227 thanh niên nghèo là chủ hộ vươn lên thoát nghèo.

HIỂU LAM – MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/von-tin-dung-chinh-sach-chap-canh-thanh-nien-khoi-nghiep-5003624.html