Vốn FDI chưa được giải ngân là bao nhiêu ?

Liên tục trong ba năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam luôn đạt mức kỷ lục. Năm 2006 là 10,2 tỷ USD, năm 2007 là 22 tỷ USD và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008 dòng FDI đã “chảy” vào nước ta một lượng đại kỷ lục – 57,12tỷ USD. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này cần nhiều thời gian.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2007, cả nước có hơn 9.500 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 98 tỷ USD. Trừ các dự án đã hết thời gian hoạt động và giải thể trước thời hạn hiện còn 8.950 dự án có hiệu lực với số vốn đăng ký là 83,1 USD. Tuy nhiên, trong lượng vốn đăng ký đang còn hiệu lực nói trên chỉ có 52,3% vốn đăng ký được thực hiện, tương đương 43 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết năm 2007 hiện cả nước đang còn 42,1 tỷ USD vốn FDI chưa được giải ngân. Tính đến thời điểm hết tháng 9 năm 2008, với lượng thu hút FDI là 57,12 tỷ USD và lượng giải ngân chưa đến 10 tỷ USD thì hiện nay cả nước đang tồn đọng một lượng vốn FDI chưa giải ngân khá lớn Giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển Trả lời câu hỏi của báo chí tại Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư các tỉnh phía Bắc hôm 24/10 về việc liệu tính đến thời điểm hiện nay, lượng vốn FDI chưa được giải ngân có thể lên tới 100 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Chuyện này là bình thường vì vốn FDI đăng ký của 2007 và 2008 đã bằng một nửa của cả 20 năm nay và muốn giải ngân thì phải có thời gian”. Nói về những khó khăn trong việc giải ngân vốn FDI Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Từ vốn đầu tư đăng ký chuyển sang vốn đầu tư thực hiện là vấn đề lớn. Thách thức lớn hiện nay là giải ngân; do quy hoạch của địa phương, quy hoạch ngành còn thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng yếu kém, không đáp ứng yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực cũng trong tình trạng tương tự, do vậy việc giải ngân không thể thực hiện dễ dàng được”. “Chúng ta cần nhiều thời gian để giải phóng mặt bằng, làm các thủ tục cần thiết rồi nhà đầu tư mới triển khai xây dựng, không phải cấp phép là nhà đầu tư vào làm ngay. Hiện nay, riêng các công đoạn đó phải mất khoảng 3-4 năm. Nên vốn FDI đăng ký cấp tập trong năm 2008 làm giãn khoảng cách vốn đăng ký và vốn thực hiện là điều dễ hiểu. Không kể hai năm qua, thì vốn giải ngân trung bình ở Việt Nam không thấp hơn khu vực” - Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/kinh-doanh-dau-tu/dau-tu/21642-von-fdi-chua-duoc-giai-ngan-la-bao-nhieu