Vốn chính sách, mách cách thoát nghèo

Cùng với chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, nhiều năm qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Kim Thượng, huyện Tân Sơn thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, nhiều người có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, vươn lên có cuộc sống đầy đủ hơn.

Gia đình đoàn viên Sa Ánh Nguyệt vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi gần 100 con gà lai chọi và 20 con lợn lửng, trồng 3ha cây gỗ lớn

Một ngày cuối Xuân khi những đám mây vẫn còn rong chơi trên lưng chừng núi Ong, núi Xoan thì Hoàng Huỳnh - cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã đi kiểm tra, đối chiếu hộ vay vốn. Hoàng Huỳnh chia sẻ: “Cứ cố định vào ngày 19 hàng tháng là cán bộ ngân hàng lại có mặt tại xã từ rất sớm để giải ngân và thu lãi định kỳ, cho nên em thuộc địa bàn xã như lòng bàn tay”. Huỳnh cùng cán bộ hội đoàn thể đứng ra nhận ủy thác đưa chúng tôi đến nhà Sa Ánh Nguyệt khu Quyền 2, vừa vào đến sân đã nghe thấy tiếng đàn lợn lửng sọc dưa đói ăn réo ầm ĩ, tiếng gà mái mơ lai chọi giác đinh tai tìm ổ đẻ; hai tay hai xô cám vừa lợn vừa gà, Nguyệt đi ra từ ngôi nhà sàn đã thâm màu thời gian nở nụ cười tươi rói chào chúng tôi.

Nguyệt sinh năm 1992, trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để làm kinh tế, Nguyệt bảo: “Năm 2020 gia đình em được duyệt hồ sơ vay vốn phát triển sản xuất 50 triệu đồng, có vốn chúng em đầu tư nuôi lợn lửng, gà chọi và chăm sóc cây rừng gỗ lớn. Đến nay gà lợn đã bán được bốn lứa, có tiền em lại tái đầu tư và trả lãi, gốc theo đúng quy định”. Nguyệt là một trong 200 lượt đoàn viên của xã được vay vốn NHCSXH thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên xã nhận ủy thác. Đến nay, tổ chức này đã có bảy tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư nợ gần 11 tỷ đồng.

Ngày 19 hàng tháng NHCSXH giải ngân và thu lãi định kỳ tại xã

Ngoài Đoàn Thanh niên, tại xã Kim Thượng có Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB đứng ra nhận ủy thác cho đoàn viên, hội viên vay vốn. Đến tay, NHCSXH huyện đã giải ngân gần 95 tỷ đồng. Theo đó, 800 lượt hộ vay đã được tiếp cận với 17 chương trình thông qua 23 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ổn định cuộc sống từ nguồn vốn vay ưu đãi và đã giúp nhiều hộ vay đầu tư mua bán nhỏ, cải tạo vườn, chăn nuôi, tạo điều kiện gia đình phát triển kinh tế có cuộc sống ổn định.

Đồng chí Hà Ngọc Tín- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để đồng vốn đến được đúng đối tượng, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các đoàn thể từ khu dân cư cần rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định”. Năm 2022 toàn xã 27 hộ thoát nghèo, có kinh tế trung bình và khá tăng- đây là tín hiệu vui cho địa phương trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/von-chinh-sach-mach-cach-thoat-ngheo/191618.htm