Với thỏa thuận Saudi - Iran, Trung Quốc đe dọa ảnh hưởng của Mỹ?

Thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran cho thấy quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Việc Iran và Saudi Arabia bất ngờ đạt thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao là diễn biến có tác động lớn tới cục diện ở Trung Đông. Thỏa thuận này mở ra cơ hội giải quyết chương trình hạt nhân Iran, cũng như tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến ở Yemen.

Tuy vậy, Washington có lý do để đặc biệt lo ngại, đó là Trung Quốc đóng vai trung gian giúp hai đối thủ truyền kiếp xích lại gần nhau tại khu vực mà từ lâu Mỹ đã duy trì ảnh hưởng.

Cục diện Trung Đông thay đổi

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được công bố hôm 10/3 sau 4 ngày quan chức Saudi và Iran thảo luận kín tại Bắc Kinh, theo Reuters.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho hay dù Washington không trực tiếp can dự tiến trình thảo luận, giới chức Saudi luôn cập nhật cho Mỹ về diễn biến đàm phán.

"Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở khu vực", ông Kirby nói.

Ông Kirby cho biết Nhà Trắng tin rằng các áp tực trong và ngoài nước, bao gồm việc Saudi ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa từ Iran và các tổ chức ủy nhiệm, đã góp phần buộc Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán.

Phát biểu của quan chức Nhà Trắng được các chuyên gia nhận định là nỗ lực hạ thấp vai trò của Trung Quốc trong tiến trình đàm phán giữa Iran và Saudi.

Giới chức Saudi, Trung Quốc, Iran công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 10/3. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung Cận Đông Jeffrey Feltman tin rằng vai trò của Trung Quốc là khía cạnh đáng chú ý nhất trong thỏa thuận vừa đạt được giữa Riyadh và Tehran.

"Thỏa thuận này sẽ được diễn giải như gáo nước lạnh với chính quyền Tổng thống Joe Biden, bằng chứng cho quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc", ông Feltman nhận định.

Suốt hai năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm nhiều cách nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015 với Iran mà trước đó Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ. Các nỗ lực này trở nên phức tạp hơn do các cuộc biểu tình tại Iran cũng như xung đột ở Ukraine.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Saudi - Iran mở ra con đường cho phép Washington nối lại đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân, có thể thông qua sự thúc đẩy của Riyadh.

"Saudi quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu chương mới giữa Saudi và Iran là thực chất, hai bên sẽ phải giải quyết những quan ngại về hạt nhân, nếu không, đây sẽ chỉ là diễn biến hình thức", Brian Katulis, chuyên gia Viện nghiên cứu Trung Đông, nói.

Thỏa thuận ngày 10/3 cũng đưa tới kỳ vọng cho nền hòa bình lâu dài ở Yemen. Nội chiến Yemen từ 2014 được coi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa quân đội chính phủ được Saudi ủng hộ và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.

Từ sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden nhiều lần hối thúc Riyadh cần sớm chấm dứt nội chiến ở Yemen do các thảm họa nhân đạo mà cuộc chiến gây ra cho người dân nước này.

Các bên tại Yemen đạt thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc bảo trợ tháng 4/2022. Dù thỏa thuận đã hết hạn vào tháng 10/2022, các bên nhìn chung vẫn tiếp tục tuân thủ cam kết ngừng bắn.

"Iran sẽ không chấp nhận bình thường hóa quan hệ nếu không đạt được điều gì đó, dù là vấn đề Yemen hay những lợi ích khó tưởng tượng hơn", Gerald Fierestein, cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen, nói.

Nhân tố Trung Quốc

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị miêu tả thỏa thuận đạt được hôm 10/3 là "chiến thắng cho hòa bình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, theo Financial Times.

Sự tham gia của Trung Quốc với vai trò trung gian trong quá trình bình thường hóa quan hệ là tín hiệu đáng chú ý với Washington, theo ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á dưới thời Barack Obama.

Ông Russel cho rằng Trung Quốc hiếm khi ra mặt đóng vai trung gian hòa giải trong thỏa thuận ngoại giao mà nước này không trực tiếp là thành viên.

"Câu hỏi đặt ra liệu đây có phải là những gì sẽ diễn ra trong tương lai? Trung Quốc có thể trung gian hòa giải Nga và Ukraine khi ông Tập Cận Bình đến Moscow?", ông Russel nói.

Quan hệ giữa Mỹ và Saudi xấu đi từ khi ông Biden lên nắm quyền. Ảnh: Reuters.

Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu chính sách Foundation for Defense of Democracies, cho rằng việc Iran và Saudi khôi phục quan hệ dưới sự trung gian của Trung Quốc là thất bại toàn diện cho Mỹ. Diễn biến này cũng cho thấy Riyadh thiếu lòng tin ở Washington, đồng thời Bắc Kinh đang trở thành thế lực chính trị mới ở Trung Đông.

Naysan Rafati, chuyên gia tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, cho rằng rất khó để nói Mỹ sẽ hưởng lợi từ sự can dự của Bắc Kinh vào thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

"Vấn đề ở chỗ tại thời điểm Washington và phương Tây đang gia tăng sức ép lên Iran, Tehran tin rằng họ có thể phá thế bao vây cô lập nhờ sự che chở của Trung Quốc, một cường quốc lớn của thế giới", ông Rafati nói.

Can dự của Trung Quốc trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đã dấy lên sự hoài nghi từ Washington. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul chỉ trích Trung Quốc không phải là bên trung gian có thể tin cậy cho các thỏa thuận hòa bình.

"Họ không phải đối tác có trách nhiệm và không đáng tin để đóng vai trò người trung gian công bằng, không thiên vị", Hạ nghị sĩ McCaul nói.

Tuy vậy, nếu có thể giảm căng thẳng ở khu vực, thỏa thuận 10/3 cuối cùng sẽ mang lại lợi ích lớn cho Washington, trong bối cảnh Mỹ đang bận rộn hỗ trợ Ukraine và triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc, theo New York Times.

"Thực tế là Trung Đông ổn định hơn, Saudi và Iran không đe dọa lẫn nhau, cũng mang lại lợi ích cho Mỹ", Trita Parsi, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Quincy, nhận định.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Kirby bác bỏ quan điểm Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Trung Đông. Ông Kirby cũng khẳng định Washington sẽ theo dõi sát các hành động của Bắc Kinh ở Trung Đông cũng như các địa bàn khác.

"Chúng ta biết về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng và chỗ đứng của Trung Quốc trên khắp thế giới", ông Kirby nói.

Theo ông Jon Alterman, chuyên gia viện nghiên cứu CSIS, sự tham gia của Trung Quốc trong quan hệ Saudi - Iran củng cố thêm ấn tượng rằng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh đang gia tăng, trong khi hiện diện của Mỹ trên trường quốc tế có dấu hiệu suy giảm.

"Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp rằng dù Mỹ là cường quốc quân sự vượt trội ở vùng Vịnh, hiện diện ngoại giao của Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ hơn", ông Alterman nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/voi-thoa-thuan-saudi-iran-trung-quoc-de-doa-anh-huong-cua-my-post1410889.html