Vô số quán xá Hà Nội nổi tiếng vì... chửi khách

Chửi nhân viên, quát mắng khách, không bán vì... không thích, vô số quán xá Hà Nội đang áp dụng hình thức phục vụ kỳ lạ này.

Bà Thảo bán bún nổi tiếng vì... chửi khách (Ảnh: Tiền Phong)

"Bún mắng" gây tranh cãi vì lên truyền hình Mỹ

Chỉ là chủ một quán bún dọc mùng, lưỡi lợn trong chợ Ngô Sĩ Liên nhưng từ lâu, danh tiếng bà Thảo đã lan truyền khắp nơi. Theo phản ánh của nhiều thực khách, bà Thảo rất nóng tính, chỉ cần khách bâng quơ một vài câu hỏi han hay thắc mắc cũng có thể bị bà "chửi" và đuổi về. Bà chủ quán nổi tiếng này cho biết mình không muốn chửi khách nhưng chẳng hiểu sao bà không kiềm được miệng.

Quán mở được 30 năm, bà Thảo cũng đã nổi tiếng mắng khách từ hơn chục năm trước. Đến nay, bún "chửi" của bà Thảo lại càng gây tiếng vang khi những câu đối đáp đanh đá của bà chủ quán đã lên hẳn truyền hình Mỹ. Chính đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain - người từng dùng bữa với tổng thống Obama tại Hà Nội đã tỏ ra khá yêu thích món ăn đồng thời chấp nhận khách phục vụ khác lạ này như một phần văn hóa Hà Nội "Bạn chịu đựng lời mắng mỏ, đổi lại là bát bún ngon tuyệt, nóng hổi với ớt cay, nước dùng đậm đà và những miếng chân giò. Đây là món duy nhất trên thực đơn và món này rất ngon."

Quán bún của bà Thảo lên sóng CNN trong chương trình văn hóa ấm thực của đầu bếp Anthony Bourdain (Ảnh: CNN)

Một món ăn Việt xuất hiện và được đánh giá cao trên truyền hình quốc tế là điều đáng tự hào. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên cổ súy cho phương cách phục vụ thiếu văn hóa. Bún chửi còn tồn tại và được tôn vinh sẽ là tiền lệ xấu, khiến bạn bè năm châu có cái nhìn sai lệch về văn hóa ẩm thực Hà Nội.

"Cháo chửi" - Có hết chửi cũng không mất tiếng tăm

Bà Mỹ - chủ quán cháo gà nổi tiếng phố Lý Quốc Sư - Ảnh: Dân trí

Về món "cháo chửi", không ai là không biết tới danh tiếng bà Mỹ cùng quán cháo lâu năm của bà ở phố Lý Quốc Sư. Thật ra cũng có chút oan uổng cho bà bởi bà chỉ to tiếng đôi lần với nhân viên, nhắc nhở việc phục vụ nhanh nhẹn chứ không “chửi” khách bao giờ.

Bà Kim Ngọc - con gái bà Mỹ giờ đã tiếp quản quán cháo thay mẹ (Ảnh: Kenh14/Trí thức trẻ)

Mặc dù vậy, khách quen từ nhiều năm của quán cũng không thể quên đã từng giật mình thon thót thế nào khi nghe bà mắng nhân viên. Một người từng làm chân giữ xe của quán tâm sự "“Bà chủ khỏe lắm, ra rả từ sáng đến đêm mà không biết mệt, hễ có mặt ở quán là chửi, đang ăn cũng chửi, mắt xem vô tuyến mồm cũng không quên chửi...”

Từ một gánh hàng nhỏ, sau ngần ấy năm, bà Mỹ đã có “cơ ngơi” nổi tiếng cho riêng mình. Ai đi ngang khu vực nhà thờ đều có thể ghé chân ăn cháo gà bà Mỹ. Cháo ở đây được nấu từ hạt gạo để nguyên, không giã, nấu thật nhừ cho đến khi nước cháo dềnh lên vì nhựa, không đặc quánh như dạng cháo bột.

Giờ đây, bà Mỹ đã... bớt chửi, vì tuổi cao nên bà đã nhường việc làm ăn lại cho con cháu. Nhưng người dân Hà Nội vẫn không quên tiếng tăm của bà, và hãi hùng nhận ra Hà Nội giờ còn có nhiều quán vừa bán vừa chửi "ác liệt" hơn bà Mỹ nhiều lần.

Đến Hà Nội thì phải tập ăn như "người Hà Nội"?

Không ít người cho rằng những màn to tiếng tại quán xá là gia vị riêng cho món ăn.

Từng có "giai thoại" về bà bán hủ tiếu nổi tiếng phố Hàng Chiếu, chửi nhân viên rất hăng mà nịnh khách cũng ngọt lịm. Khách vào phút trước còn giật mình thon thót vì nghe bà to tiếng nạt nhân viên; phút sau lại giãn ra ngay được vì bà chủ mời ngồi, đon đả xếp chỗ, nhắc gọi đồ.

Nhưng hầu hết người dân thủ đô đều từng có ít nhất một lần bị chủ quán nào đó nạt nộ vì những chuyện kể ra thật trời ơi đất hỡi như ngồi lâu, gọi món chậm, để xe chưa đúng,... Có khách ôm bụng đói ra về cũng được khuyến mại câu réo "chắc chẳng đủ tiền ăn", hay "tiền ít mà đòi hỏi nhiều"!

Quán ốc đầu đường Hồ Đắc Di, gần cây xăng Nam Đồng được mệnh danh là ốc “lắm mồm”. Món ốc ở đây rất ngon nên thường đông khách. Vị khách nào mà lỡ miệng thắc mắc liền bị bà chủ quán “nhắc nhở”. Thậm chí, khách ngồi quá lâu cũng nhận được những cử chỉ nhắc khéo ra về để nhường chỗ cho người khác.

Lại có quán mì giá khá chát (40.000 - 50.000 đồng) gần Văn Miếu, mì tim hay mì xào đều rất ngon, nhưng chủ quán cũng được lưu danh vì các màn to tiếng mỗi khi bực tức.

Những chủ quán tay làm miệng nói giờ ở thủ đô không hề thiếu. UBND TP Hà Nội từng xem xét các biện pháp xử lý, nhằm hạn chế các hành vi thiếu văn hóa nơi đông người. Nhưng chuyện này thật chẳng hề dễ dàng vì văn bản không mang tiếng bắt buộc, việc xác minh thế nào là "chửi" cũng đâu đơn giản.

"Vâng, tôi chỉ thế thôi. Không lịch sự được. Ăn được thì ăn, không thì phắn, đây không cần thiết” - chủ quán bún chửi ở Ngô Sĩ Liên từng lên tiếng về quy định xử lý hành vi kém văn hóa nơi công cộng. (Ảnh: Afamily/ Trí thức trẻ)

Bản thân bà Thảo, chủ quán bún lưỡi phố Ngô Sĩ Liên được nhắc tới ở đầu bài cũng tỏ thái độ rất rõ ràng với quy định này "Vâng, tôi chỉ thế thôi. Không lịch sự được. Ăn được thì ăn, không thì phắn, đây không cần thiết”. Và thực tế đã ghi nhận, quán bún của bà vẫn nườm nượp khách đến tận khi lên truyền hình Mỹ gần đây.

Nên nhiều người Hà Nội nay coi "bún mắng, cháo chửi, phở lắm mồm" là chuyện chấp nhận được. Một bộ phận khách hàng ôm bực về rồi cạch mặt nhà hàng, nhưng cũng chẳng hiếm người sẵn sàng ngồi nghe chửi vì lẽ đồ ăn ngon, nhẫn nhịn ít đòi hỏi kém yêu cầu vì "vào đây ai cũng thế".

Người từ miền khác, thậm chí nước khác đến Hà Nội ngày nay thay vì ngạc nhiên, cũng dần chấp nhận và tập cư xử như "người Hà Nội" khi ghé các quán xá kiểu này.

Một câu chuyện kỳ lạ về sự đồng hóa!

K.H

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/an-choi/vo-so-quan-xa-ha-noi-noi-tieng-vi-chui-khach-125750