Vỡ nợ vì tàu cá nằm bờ

Theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn đóng 58 tàu cá lớn, bao gồm: 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác (trong đó có 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ). Sau 10 năm triển khai, nhiều ngư dân đã rơi vào cảnh nợ nần, phá sản do các tàu cá làm ăn không hiệu quả.

Tàu cá của ngư dân tại Thanh Hóa nằm bờ do không đủ kinh phí ra khơi. Ảnh: Nguyễn Chung.

Từ chủ tàu thành con nợ

Trong căn nhà hai tầng khá khang trang, nhưng đã từ lâu vắng đi tiếng cười, ông Bùi Văn Minh, trú tại tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) từng là một ngư dân có “của ăn, của để”, chủ của 2 tàu vỏ gỗ đánh bắt với công suất 450CV và 600CV, cùng 28 thuyền viên thường xuyên vươn khơi, bám biển… Tuy nhiên, ở thời điểm này ông đã rơi vào cảnh phá sản và nợ nần chồng chất vì dự án tàu cá 67.

Ông Minh cho biết, năm 2014, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, cũng như nhiều ngư dân của tỉnh, ông mạnh dạn bán 2 con tàu công suất tầm trung lâu nay vẫn ra khơi để vay thêm vốn, đóng con tàu có công suất 900CV, với chi phí khoảng 12 tỷ đồng (trong đó 5,9 tỷ đồng phải vay ngân hàng để phát triển).

Đầu năm 2017, sau khi hoàn tất việc đóng tàu, ông Minh cùng các bạn nghề bắt đầu chuyến ra khơi đầu tiên. Liên tiếp trong 2 năm, tàu khai thác đạt sản lượng tốt, nên hàng tháng gia đình ông thanh toán đầy đủ số tiền lãi, gốc cho ngân hàng. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, nguồn lợi hải sản cạn kiệt khiến các tàu dịch vụ hậu cần cũng lâm vào cảnh khó khăn. Chi phí một chuyến đi từ 10 - 15 ngày mất khoảng 150 triệu đồng, trong khi đó sản lượng hải sản thu gom ở các tàu khai thác đạt thấp, khiến ông liên tục phải bù lỗ. Mặt khác, khi nguồn lợi hải sản suy kiệt, nhiều tàu khai thác nằm bờ kéo theo tàu dịch vụ hậu cần cũng “chết” theo vì không bán được nhiên liệu và không thu gom được hàng hóa. Thêm vào đó, do dịch Covid-19 hoành hành khiến nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm mạnh. Sản lượng hải sản thu gom đạt thấp trong khi chỉ bán được chưa đầy nửa giá.

Ông Minh cùng 2 người con vẫn tiếp tục vay mượn để lấy chi phí cho tàu vươn khơi. Thế nhưng sự cố gắng của gia đình ông dần rơi vào tuyệt vọng, “đi chuyến nào lỗ chuyến đấy”, áp lực trả nợ ngân hàng đè nặng lên vai khiến ông đành phải chấp nhận buông xuôi.

Tháng 5/2023, ông Minh bị ngân hàng khởi kiện, tịch thu tàu cá để bán đấu giá, do không còn khả năng trả nợ. Chiếc tàu có giá trị hơn 12 tỷ đồng nay thanh lý được 2,3 tỷ đồng. Hiện ông Minh còn nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán do không còn tài sản. Từ chỗ là chủ tàu, sở hữu tài sản tiền tỷ giờ lâm vào cảnh thất nghiệp, phá sản. Hai con ông Minh cũng mất việc, đành phải đi làm thuê cho tàu khác để kiếm sống. “Giờ thì gia đình tôi đã lâm vào cảnh trắng tay, mất tàu cũng đồng nghĩa với mất đi nghề biển truyền thống của ông cha” - ông Minh buồn bã nói.

Không chỉ ông Minh mà nhiều chủ tàu khác tại các vùng ven biển của xứ Thanh đang phải đối mặt với thực trạng trên. Trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Gấm (trú tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc). Chị Gấm cho biết: Ngay khi có chính sách của Nhà nước về vay vốn đóng tàu vỏ sắt lớn vươn khơi, gia đình chị đã rất phấn khởi và quyết định “làm một cuộc đổi đời”. Từ con tàu gỗ 400CV, anh chị đã bán và vay mượn thêm 8,7 tỷ đồng để đầu tư cho con tàu vỏ sắt, công suất 700CV, với tổng số vốn lên đến 12,5 tỷ đồng. Nhưng chỉ 2 năm sau, mọi chuyện đã dần chuyển biến theo chiều hướng xấu. Năm 2018, nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt, mỗi lần ra khơi lỗ hơn 100 triệu đồng, có chuyến lỗ tới hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, tàu của gia đình chị Gấm bị hư hỏng nặng do gặp bão lớn, chi phí cho công lai dắt tàu về bến và tu sửa tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Điều này đã khiến gia đình chị không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Đâu là giải pháp?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Thanh Hóa, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 58 tàu đóng theo Nghị định 67. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, 40 tàu thường xuyên hoạt động thua lỗ, không thực hiện trả nợ vay ngân hàng, bị ngân hàng khởi kiện và phải bán đấu giá để trả nợ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ngư dân lâm cảnh nợ nần, tay trắng. Trước thực trạng trên, nhiều ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, ngành ngân hàng tìm lối thoát cho khoản nợ với ngân hàng, mà lâu nay họ không đủ khả năng chi trả.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trên địa bàn tỉnh chỉ còn 18 "tàu 67" đang hoạt động gồm 3 tàu dịch vụ hậu cần và 15 tàu khai thác, trong đó có 11 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ. Các tàu tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đoàn kết, khai thác ở ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và vùng biển xa, sản lượng khai thác có hiệu quả, hoạt động ổn định và duy trì trả nợ cho ngân hàng. Còn lại đều đã phải ngừng ra khơi hoặc bị đem bán đấu giá.

“Không phải bây giờ mà ngay từ những năm 2018, trước những khó khăn của ngư dân vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ, kéo dài thời gian gia hạn đối với chủ tàu cá vỏ thép phải nằm bờ do gặp phải hư hỏng, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi phát triển kinh tế và trả nợ. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai việc cho vay vốn lưu động đối với chủ tàu 67, thực hiện chuyển đổi chủ nợ trong trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” - ông Cường cho biết thêm.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vo-no-vi-tau-ca-nam-bo-10277659.html