Võ Huy Thắng - Chàng sĩ quan Biên phòng nặng tình với biên cương

Là đứa trẻ vươn lên từ nghèo khó, hơn ai hết Đại úy Võ Huy Thắng, Trợ lý Công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình luôn dành nhiều tình cảm, tâm huyết đối với đồng bào nghèo nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc. Những chương trình, hoạt động nhân ái, thiết thực mà anh tham mưu, đẩy mạnh đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi biên giới tỉnh Quảng Bình.

Lấy sức máy thay sức người

Làn da bánh mật, phong thái chững chạc, điềm đạm, từ tốn là điều gây ấn tượng với tôi khi tiếp xúc với Đại úy Võ Huy Thắng. Anh khiêm nhường khi được hỏi về bản thân nhưng ánh mắt lại sáng hơn khi được hỏi về biên giới, về đồng bào, về những chuyến công tác dài ngày đến với bà con... Giọng nói trầm ấm hơn khi anh chia sẻ về đời sống khó khăn của đồng bào nơi biên giới tỉnh Quảng Bình: “Sinh ra là lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi đi công tác ở địa bàn khu vực biên giới, tôi nhận thấy đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây còn vất vả hơn rất nhiều. Tôi còn ấn tượng mãi hình ảnh những người phụ nữ từ già tới trẻ dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa địu con, vừa giã gạo trong nắng hè oi ả”.

Quân dân trên cánh đồng xã Trường Sơn.

Những ấn tượng về sự khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc nơi biên cương xa xôi theo anh trở về thành phố. Anh luôn đau đáu câu hỏi “Phải làm sao để đồng bào đỡ vất vả và năng suất lao động cao hơn?”. Anh nhận ra vấn đề chính là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn canh tác bằng phương thức cũ, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu kiến thức vận hành, chưa được tiếp cận các máy móc hỗ trợ. Nếu chỉ cho “con cá” - mỗi lần tới với bà con cho gạo, quần áo thì không giải quyết được triệt để sự khó khăn, vất vả đó. Điều cần làm là cho bà con “cái cần”- giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao nhận thức, đưa máy móc vào sản xuất. Câu trả lời dần hiện ra khi anh cùng với đồng đội tham mưu, chỉ đạo, xây dựng mô hình “Tiếng máy vùng biên”.

Dốc Mây là bản đầu tiên được Võ Huy Thắng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình đưa máy xay mini về. Nằm ở giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, mây núi bao bọc quanh năm, Dốc Mây là bản nhỏ cách trung tâm xã Trường Sơn hơn 20km. Giữa không gian núi rừng vốn tĩnh mịch, âm u, tiếng máy phát ra từ chiếc máy xay mini phá tan bầu không khí trầm lặng đó, đó cũng là thời khắc báo hiệu Dốc Mây đã bước sang một trang mới.

Từ đây, sức máy thay sức người, đôi bàn tay của người phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều đã bớt chai sạn, được giải phóng, không cần còng lưng mang cối ra giã gạo. Nhờ máy xay mini mà công việc được diễn ra thuận lợi, tốn ít thời gian, năng suất hơn, những bà mẹ Bru-Vân Kiều lại có thêm thời gian chơi đùa cùng con, nghe con đọc chữ i, chữ tờ bên hiên nhà.

Đại úy Võ Huy Thắng trong một buổi tuyên truyền cho các em học sinh về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển.

Mới ngày nào, tiếng máy ở bản Dốc Mây được đồng bào truyền tai nhau như điều gì đó kỳ lạ lắm, thì đến nay, ở khắp các thôn, bản của xã Trường Sơn đã được Võ Huy Thắng và những người lính quân hàm xanh mang tới, “phổ cập”, hỗ trợ 25 máy móc các loại như máy cày, xay xát, tuốt lúa, nghiền ngô, khoai, sắn. Công việc của bà con nhờ đó mà bớt cơ cực, đồng thời thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất cây trồng. Trên những cánh đồng nơi dãy Trường Sơn, vào mùa thu hoạch nay ồn ã hơn với tiếng máy vang rền, tiếng quân dân cười nói rộn ràng…

Nặng tình với biên cương

Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, Võ Huy Thắng đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào ở khu vực biên giới. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2017, anh nhanh chóng nhận nhiệm vụ, thích nghi với địa bàn và anh bắt đầu triển khai, tham mưu các hoạt động hướng về đồng bào nghèo nơi biên giới Quảng Bình. Điều đó đã trở thành tình thương và trách nhiệm đối với anh.

Mặc dù luôn được Đảng, Nhà nước, ban, ngành địa phương quan tâm nhưng đồng bào vùng biên đúng là còn thiếu thốn trăm bề. Chỉ những người lính Biên phòng thường xuyên “ba bám, bốn cùng” với đồng bào mới biết, hiểu được những khó khăn, thiếu thốn đó. Buổi tối ở miền sơn cước thường bắt đầu từ rất sớm. Khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm khắp không gian núi rừng cũng là lúc trẻ con, người già đồng bào Bru-Vân Kiều chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại những người trẻ tuổi hơn kiểm tra quanh nhà và cũng nhanh chóng nghỉ ngơi. Màn đêm làm bản làng nhỏ của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn hòa vào rừng núi thành một màu đen tĩnh mịch. Đèn đường dường như không có trong từ điển của đồng bào nơi đây. Đám trẻ con người Bru-Vân Kiều phải đành chờ trời sáng mới í ới gọi nhau chơi hay học.

Đại úy Võ Huy Thắng tặng quà cho học sinh. Ảnh: Hoài Nam

Điều thiệt thòi của đám trẻ con người dân tộc Bru-Vân Kiều lại chập chờn trong từng giấc ngủ của Thắng khi anh trở về thành phố sau những chuyến công tác dài ngày. Anh tìm cách liên hệ, vận động, kêu gọi các công ty, tổ chức, doanh nghiệp, tận dùng từng mối quen biết qua bạn bè, người thân để kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các công trình “Ánh sáng vùng biên” xây dựng tại biên giới tỉnh Quảng Bình. Anh trực tiếp tham gia xây dựng, khánh thành và bàn giao 26 công trình “Ánh sáng vùng biên”, dài 22km, trị giá 1,5 tỷ đồng. Riêng bản thân anh trực tiếp vận động, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ, xây dựng 7 công trình “Ánh sáng vùng biên” trên địa bàn với tổng trị giá 450 triệu đồng.

Có lẽ niềm hạnh phúc đối với anh là được ngắm nhìn nụ cười hạnh phúc các em nhỏ người dân tộc Bru-Vân Kiều chơi đùa, nhảy nhót dưới ánh sáng vàng của những cây đèn đường mới tinh. Những nỗ lực của những người lính quân hàm xanh đã giúp bản làng biên cương xa xôi sáng bừng giữa núi rừng đại ngàn, an ninh trật tự ở đây cũng vì thế mà ổn định hơn.

Thắt lòng khi chứng kiến nhiều mảnh đời cơ cực, nỗi vất vả của đồng bào dân tộc nơi đây, Võ Huy Thắng đặc biệt quan tâm, tham mưu, triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa như tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đoàn chủ trì, phối hợp địa phương tổ chức 12 chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Chương trình có nhiều hoạt động phong phú như: Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân; tổ chức phiên chợ 0 đồng; trong đó ý nghĩa nhất là trao tặng nhân dân 13 căn nhà “Đại đoàn kết”, 1 căn nhà “Mái ấm tình thương” trị giá 700 triệu đồng; tặng 16 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh…

Đại úy Võ Huy Thắng được là một trong những “Gương mặt trẻ tiêu biểu” của Bộ đội Biên phòng.

Năm 2022, tại Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào cấp BĐBP tỉnh năm 2022, Đại úy Võ Huy Thắng đã vận động, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng và bàn giao cho nhân dân bản Na Chắt (cụm bản Thoồng Khám, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào) 1 cổng chào, 1 công trình “Ánh sáng vùng biên” trị giá hơn 220 triệu đồng; tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” cho nhân dân bản Na Chắt với các mặt hàng thiết yếu trị giá hơn 700 triệu đồng. Đóng góp của anh đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.

Với những nỗ lực đó, năm 2022, Võ Huy Thắng là một trong những “Gương mặt trẻ tiêu biểu” của Bộ đội Biên phòng. Năm 2023, anh được Bộ tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Bài, ảnh: TUẤN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/vo-huy-thang-chang-si-quan-bien-phong-nang-tinh-voi-bien-cuong-745128