Vở ca kịch đặc biệt: 'Người mẹ Quảng Nam'

Lần đầu tiên, Đoàn Ca kịch Quảng Nam chọn đề tài lịch sử hiện đại về hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ để dàn dựng vở 'Người mẹ Quảng Nam' trong chương trình biểu diễn phục vụ Tết Giáp Thìn 2024.

Cảnh mẹ Thơm đối đầu với quân địch trong vở “Người mẹ Quảng Nam”.

Vở diễn ca kịch đầu tiên về mẹ Thứ

Hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhưng với sân khấu ca kịch Quảng Nam, lần đầu tiên cuộc đời và những hy sinh, cống hiến của mẹ Thứ cho quê hương được xây dựng thành một vở kịch trọn vẹn với thời lượng 150 phút.

Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam chia sẻ: “Đoàn đã nhiều lần có ý định thực hiện một vở diễn về mẹ Thứ, nhưng vì nhiều lý do nên đến hôm nay mới thành hiện thực. Chính vì thế, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên bước vào tập luyện vở với niềm tự hào rất lớn khi được hát lên khúc ca về mẹ…”.

Cái duyên để vở diễn hình thành còn được kết nối từ tâm huyết của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên. Anh đã có nhiều năm gắn bó với ca kịch Quảng Nam và luôn ấp ủ xây dựng hình tượng mẹ Thứ trên sân khấu chuyên nghiệp, đặc biệt là với ca kịch bài chòi.

Đó còn là sự ăn ý trong hoạt động sân khấu chuyên nghiệp giữa đạo diễn Triệu Trung Kiên và nhà văn Nguyễn Toàn Thắng (tác giả kịch bản văn học), để vở diễn ra đời với tên gọi ban đầu là “Chúng con xin lỗi mẹ”, sau đó đổi thành “Người mẹ Điện Bàn” và cuối cùng là “Người mẹ Quảng Nam”.

Theo nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, kịch bản “Người mẹ Quảng Nam” được hình thành từ sự ngưỡng vọng sự hy sinh cao cả của người mẹ xứ Quảng. Đồng thời, cảm xúc cũng được dẫn dắt bởi chính câu chuyện của bà nội anh - một người mẹ VNAH, lần lượt tiễn đưa 4 người con trai của mình ra trận không trở về…

“Từ chính câu chuyện của gia đình tôi và trách nhiệm người cầm bút, tôi đã viết “Người mẹ Quảng Nam” bằng cả trái tim mình. Tuy nhiên, cái khó của vở diễn là đề tài vừa cao cả vừa gần gũi và làm sao để xây dựng được một kịch bản có sức lôi cuốn người xem là không hề dễ dàng” - nhà văn Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.

Chạm đến trái tim

Mở ra bằng cảnh miền quê Thanh Quýt, Điện Bàn trong một đêm tối của mùa khô 1965, tại căn nhà mẹ Thơm đón một cánh quân giải phóng về trú ẩn trong căn hầm bí mật và nhận tin vui từ các anh về trận thắng Mỹ đầu tiên ở Núi Thành.

Khép lại vở diễn bằng cảnh mẹ Thơm của những ngày giải phóng mùa xuân 1975 trong niềm vui khôn xiết, nhưng lưng mẹ lại còng xuống với niềm riêng đè nặng. Mẹ lặng lẽ ngồi bên mâm cơm với 9 bát cơm và 9 cây hương trầm, đôi mắt mờ dõi về phía xa vời vợi…

Với 4 cảnh và một vĩ thanh, vở diễn đã mang đến cho người xem biết bao cung bậc cảm xúc vui buồn, sự hy sinh mất mát và cả những giằng xé, cuộc đấu trí căng thẳng giữa mẹ Thơm và những người ở hậu phương với quân thù khi chồng và các con mẹ lần lượt ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Với 12 diễn viên đảm nhận các vai như mẹ Thơm, chồng mẹ - ông Lê Tự Trị, các con trai, con gái, Nhân - chỉ huy bộ đội giải phóng, Săng - sĩ quan Việt Nam cộng hòa, Dupont - quan Ba Pháp… cùng một số vai quần chúng, vở “Người mẹ Quảng Nam” đã tái hiện không gian đầy sống động và hào hùng của một thời oanh liệt và bi tráng chưa xa.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng, khi bắt tay dàn dựng vở diễn “Người mẹ Quảng Nam”, anh cùng ê kíp thực hiện gặp thách thức về tính chất đặc biệt của đề tài. Thế nhưng, chính chất liệu âm nhạc dân ca bài chòi trở thành trở thành yếu tố góp phần quan trọng đưa vở diễn đến công chúng một cách tự nhiên và đầy xúc cảm.

Để làm được điều này, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức (tác giả chuyển thể ca kịch bài chòi) đã sử dụng hầu hết làn điệu dân ca Khu 5 để đưa vào vở diễn. Những hò Quảng, lý tang tít, xuân nữ, xàng xê, cổ bản, lô tô… đã được đưa vào từng cảnh diễn, từng trạng thái cảm xúc, rất hài hòa, sinh động.

Cùng với dân ca kịch, dòng âm nhạc đệm được nhạc sĩ Trọng Đài viết riêng cho “Người mẹ Quảng Nam” với thể loại giao hưởng trên nền những giai điệu cổ ca kịch bài chòi và một số loại hình nghệ thuật dân gian khác, tạo nên sự hòa quyện trong tổng thể tác phẩm.

Điều đặc biệt, thủ vai trong “Người mẹ Quảng Nam” trên sân khấu ca kịch xứ Quảng lần này đều là những gương mặt trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Nữ diễn viên Phương Tính được giao trọng trách vai mẹ Thơm, kỳ vọng làm nên vai diễn ấn tượng bởi sự đằm thắm, giản dị vốn có ở chị.

Chị chia sẻ rất tự hào khi được giao vai diễn này nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn lần đầu tiên trong nghiệp diễn. Chị đã dành trọn thời gian và cảm xúc cho vai diễn của mình và như cách nói của đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phương Tính từng bước làm anh hài lòng với vai mẹ Thơm trên sân khấu.

ĐẶNG TRƯƠNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/vo-ca-kich-dac-biet-nguoi-me-quang-nam-155388.html