VKSQS khu vực 42 trau dồi phẩm chất và kĩ năng cho cán bộ trẻ

Từ khi thành lập cho đến nay (ngày 4/12/1987) VKSQC khu vực 42 đã trải qua 36 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng đội ngũ cán bộ VKSQC khu vực 42 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giao.

Được sự quan tâm chỉ đạo từ cấp trên về công tác hướng dẫn, bồi dưỡng kèm cặp cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trẻ, VKSQS khu vực 42 đã chủ động xây dựng kế hoạch tự đào tạo tại đơn vị với nhiều phương pháp mới, khoa học có tính áp dụng thực tế cao góp phần trau dồi phẩm chất và kĩ năng cho cán bộ trẻ. Trong đó nổi bật là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự là công tác quan trọng quyết định sự thành công của cả một quá trình điều tra, truy tố tội phạm, góp phần nâng cao uy tín cá nhân Kiểm sát viên, uy tín của VKSQS và của toàn ngành Kiểm sát nhân dân.

Lãnh đạo VKSQS QK4 bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tại đơn vị.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có cải cách tư pháp. Đảng ta xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; đồng thời, bổ sung nội dung: “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp”.

Theo đó, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người cán bộ Kiểm sát, đặc biệt là những cán bộ trẻ phải tự đổi mới, nâng cao trình độ của mình. Qua quá trình thực hiện công tác hướng dẫn, kèm cặp cho cán bộ trẻ VKSQS khu vực 42 đưa ra một số định hướng như sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ trẻ cần phải nhận thức rõ về bản thân, biết điểm mạnh, điểm yếu của mình về tất cả mặt, để tìm cách phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Điểm chung của tuổi trẻ đó là sự bồng bột, thiếu kinh nghiệm, nhưng cũng thấy rõ tuổi trẻ có điểm mạnh là hăng hái, không bị ràng buộc bởi quá khứ, không bị chủ nghĩa kinh nghiệm làm lệch lạc nhận thức, dễ dàng sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác.

Thứ hai, nhận thức rõ về ngành Kiểm sát nhân dân, về đặc điểm công việc. Nhận thức rõ động cơ mục đích vào Ngành. Cần xác định ngành Kiểm sát nhân dân không chỉ là một nghề. Cán bộ kiểm sát tham gia bảo vệ pháp luật, tăng cường pháp chế, giữ gìn công bằng xã hội, góp phần bảo vệ Nhà nước, chế độ, những người yếu thế trong xã hội, lẽ phải và chính nghĩa. Nếu xác định được như vậy thì chúng ta sẽ làm tốt công việc, vượt qua mọi khó khăn, kể cả khó khăn vật chất do đồng lương eo hẹp hiện nay.

Thứ ba, phải luôn có tư tưởng, ý thức “hướng học” và “hiếu học”, “ăn vóc học hay”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tích lũy kinh nghiệm công tác: Trước hết, phải thường xuyên ôn lại kiến thức pháp luật cơ bản, học hỏi tiếp thu kiến thức mới, để trang bị cho bản thân có kiến thức toàn diện, đầy đủ và chuyên sâu về luật hình sự. Tiếp đó, phải học hỏi để có kiến thức toàn diện. Chẳng hạn, cần phải có kiến thức về toán học để biết tổng hợp khoảng cách, vận tốc khi giải quyết các vụ án vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ hay là phải có kiến thức về sinh học, tâm lý học tội phạm khi giải quyết các vụ án giết người... Muốn được như vậy thì không có cách nào khác là làm nhiều việc, trải nghiệm nhiều, phát hiện ra nhiều vấn đề cần giải đáp, cần học hỏi. Vì vậy, cán bộ trẻ nên thường xuyên đặt câu hỏi: Vì sao? Như thế nào? Động cơ? Mục đích tội phạm? và tìm câu trả lời từ chính mình từ đồng nghiệp, từ thầy cô giáo, từ xã hội để nâng cao kiến thức.

Thứ tư, rèn luyện tính kiên trì, thận trọng. Đó là những đức tính mà người cán bộ trẻ còn thiếu. Thật là ngược quy luật khi cán bộ kiểm sát kiểm tra giám sát người khác mà lại không cẩn thận bằng họ. Cán bộ trẻ cần hiểu là trong thực tế người ta thường bị hỏng việc, bị đánh giá thấp do sai sót nhiều hơn là do sai lầm. Do vậy, cán bộ trẻ cần phải rèn luyện, biết cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan đến công việc cho dù là các yếu tố nhỏ nhất, luôn để tâm đến công việc, biết cách tiến hành công việc một cách chính xác nhất để có thể đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Thứ năm, luôn sống bằng tình cảm và vì tình cảm, nhưng cũng cần hết sức tỉnh táo, lý trí trong công việc; thực hiện theo câu nói: Cần có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, cán bộ kiểm sát trẻ cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi tác nghiệp, cần phải lấy pháp luật làm cơ sở đầu tiên; đồng thời, bình tĩnh, tự tin vận dụng pháp luật sao cho thấu tình, đạt lý. Đặc biệt, quá trình tranh luận tại phiên tòa phải bình tĩnh để đối đáp chuẩn xác, tránh nổi nóng, phát ngôn không chuẩn xác. Tuy vậy, cũng có lúc cần thể hiện thái độ rõ ràng trước sự xấu xa nhằm tăng sức thuyết phục khi đối đáp, tranh luận.

Thứ sáu, rèn luyện phương pháp suy nghĩ và lập luận khoa học, có căn cứ: Đó là những phương pháp áp dụng chung cho tất cả các hoạt động kiểm sát. Ai cũng phải áp dụng mặc dù có thể thành văn, có thể không. Phương pháp đó là quan trọng đối với người cán bộ Kiểm sát tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Khi đề xuất quan điểm truy tố, khi dự thảo luận tội, khi lập đề cương tham gia xét hỏi, dự kiến tranh luận cũng như khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thì cán bộ Kiểm sát đều phải vận dụng. Vận dụng tốt thì chất lượng công tác mới đạt hiệu quả cao và ngược lại.

Thứ bảy, học hỏi, rèn luyện các chiến thuật xét hỏi; phương pháp đối đáp, tranh luận; cách nói chuyện trước nhiều người. Có nhiều chiến thuật xét hỏi, như hỏi thẳng, hỏi đứt quãng, hỏi vòng quanh... áp dụng trên cơ sở những - chứng cứ đã thu thập được. Việc tranh luận cần rèn luyện phương pháp lập luận logic, có tính thuyết phục cao đối với Hội đồng xét xử, Luật sư, bị cáo, người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Qua đó, nâng cao được vị thế, uy tín của Kiểm sát viên nói riêng và ngành Kiểm sát nói chung. Ngoài ra, cũng cần phải rèn luyện giọng nói, âm điệu, nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm cho phù hợp. Cần tập thói quen nói, đọc nhìn vào người nghe, nhìn nhiều lần về hướng có người tán đồng với mình.

Thứ tám, giữ gìn sức khỏe, chú ý trang phục, tạo phong cách phù hợp, sử dụng hợp lý ánh mắt và điệu bộ. Trước khi tham dự phiên tòa hình sự không được uống rượu bia, không nên thức khuya và cần ăn uống đầy đủ. Vì khi có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn sẽ giúp chúng ta nắm bắt nhanh chóng vấn đề để xử lý kịp thời, chính xác, có hiệu quả, thuyết phục cao.

Thứ chín, rèn luyện những đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để trở thành những cán bộ kiểm sát mẫu mực. Với những đức tính khách quan, thận trọng, khiêm tốn sẽ giúp cho cán bộ trẻ phát triển hơn trong quá trình tự trau dồi. Khi cán bộ giỏi, công minh và chính trực thì sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nâng cao uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân trong xã hội.

Cảnh Huy

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/vksqs-khu-vuc-42-trau-doi-pham-chat-va-ki-nang-cho-can-bo-tre-150086.html