VIPFA - Kết nối nguồn lực, phát triển bền vững các khu công nghiệp

Ngày 25/3, tại Hà Nội, Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2029 đã diễn ra. VIPFA ra đời nhằm kết nối, huy động vốn đầu tư một cách chuyên nghiệp và đạo đức, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực.

Được thành lập theo Nghị quyết số 68/NQ-BCH ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, VIPFA đóng vai trò là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu của Liên chi hội là kết nối, huy động vốn đầu tư một cách chuyên nghiệp và đạo đức, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), sứ mệnh của VIPFA là thúc đẩy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của các doanh nghiệp hội viên, nhằm xây dựng một hệ thống khu công nghiệp sinh thái, xanh và bền vững. Ông Thắng cũng nhấn mạnh mục tiêu đưa VIPFA thành một tổ chức chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029) đã diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội.

Ban Chấp hành mới của Liên chi hội, với 51 ủy viên, nhiệm kỳ 2024-2029, TS. Phan Hữu Thắng giữ chức Chủ tịch. Theo TS Phan Hữu Thắng, phát triển khu công nghiệp đòi hỏi sự chú trọng vào 4 yếu tố chính: Chế, Tài, Tâm, và Tầm.

Trong đó, Chế là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện; Tài là nguồn tài chính (nguồn tiền) cần có để đầu tư và kinh doanh; Tâm là tâm tốt, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân… doanh nghiệp còn cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, với trách nhiệm xã hội cao; Tầm là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.

Tính đến cuối năm 2023, trên cả nước đã có 417 khu công nghiệp được thành lập, thu hút tổng vốn đầu tư lớn. Với hơn 21.600 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 337 tỷ USD, khu công nghiệp đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, thu hút vốn đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Trong số này, 10 đối tác đầu tư lớn nhất chiếm đến 91% tổng vốn FDI, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, và các quốc gia khác. Điều này cho thấy tầm nhìn và tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp tài chính khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/vipfa-ket-noi-nguon-luc-phat-trien-ben-vung-cac-khu-cong-nghiep-1098942.html