Vĩnh Tường: Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, ngay từ đầu năm, Vĩnh Tường đã thực hiện quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn cho các công trình, dự án. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan mang lại, một số dự án do huyện làm chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, vì vậy, trong những tháng cuối năm, huyện đã đề ra giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đường trung tâm huyện Vĩnh Tường, tuyến Quốc lộ 2 (Cụm KT - XH Đại Đồng) đến Quốc lộ 2C (Cụm CN Đồng Sóc), giai đoạn 2 được đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tăng sức hút đầu tư. Ảnh: Chu Kiều

8 tháng năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công do cấp huyện, xã làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được 483 tỷ đồng, đạt trên 50% so với số vốn đã giao. Trong đó, dự án cấp huyện giải ngân được 198 tỷ đồng, đạt 32,85% kế hoạch; dự án cấp xã giải ngân được 285 tỷ đồng, đạt 78,69% kế hoạch năm 2022.

Một số dự án do huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp là Dự án đường nối từ Quốc lộ 2A (vị trí đường trục trung tâm huyện tại xã Đại Đồng) đến đường Tỉnh 305 (vị trí chợ Vàng, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương); đường trung tâm huyện Vĩnh Tường - tuyến Quốc lộ 2 (Cụm KT - XH Đại Đồng) đến Quốc lộ 2C (Cụm Công nghiệp Đồng Sóc), giai đoạn 2; cải tạo đê bối Cao Đại, Phú Thịnh, Lý Nhân, An Tường; cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông, đoạn trên địa phận huyện Vĩnh Tường (hoàn thiện phần nền và 1/2 mặt bê tông); đường Thổ Tang - Vĩnh sơn, tuyến phía Đông thị trấn Thổ Tang, CCN Vĩnh Sơn - Thượng Trưng (nối từ Khu đô thị Phúc Sơn đi Quốc lộ 2C cũ); cải tạo, nâng cấp đường Thổ Tang (Tỉnh lộ 304) đi Vĩnh Sơn (đường trục trung tâm huyện); đường liên xã Thượng Trưng - Tuân Chính đi ngã ba, rẽ cổng làng Tam Phúc.

Số đơn vị cấp xã có tỷ lệ giải ngân thấp là Yên Lập, Chấn Hưng, Cao Đại, Vĩnh Sơn, An Tường, Tứ Trưng và Phú Đa.

Nguyên nhân giải ngân chậm do công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án chậm, chất lượng hồ sơ chưa cao, đặc biệt ở một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, chiếm tỷ trọng vốn đầu tư công năm 2022 cao.

Chưa giải quyết dứt điểm việc quyết toán các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng như Ban Quản lý dự án huyện 21 dự án; xã Chấn Hưng 17 dự án; xã Vĩnh Ninh 13 dự án; xã Yên Lập 7 dự án; xã Tân Tiến 7 dự án.

Việc giám sát, đánh giá đầu tư của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức hoặc chất lượng báo cáo chưa cao (Đại Đồng, Chấn Hưng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Cao Đại, Vũ Di, Vĩnh Sơn).

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc thay đổi liên tục các quy định của pháp luật cũng ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công của địa phương.

Đầu năm, dịch Covid-19 trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị phải tập trung nguồn lực để phòng, chống và điều trị bệnh cho người dân, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Thời điểm đầu năm, các chủ đầu tư thực hiện rà soát và chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nên một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp (nguồn kéo dài sang thanh toán năm 2022, ngày 30/6/2022 UBND tỉnh mới có quyết định cho phép kéo dài đối với nguồn ngân sách huyện và xã)…

Tại công trình đường trung tâm huyện Vĩnh Tường - tuyến Quốc lộ 2 (cụm KT - XH Đại Đồng) đến Quốc lộ 2C (Cụm CN Đồng Sóc), giai đoạn 2, riêng năm 2022 vốn kế hoạch của công trình là 20 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm giải ngân đạt 16,6 tỷ đồng; phấn đấu đến 31/1/2023 sẽ giải ngân hết số vốn được giao. Hiện, đơn vị nhà thầu vẫn đang tiếp tục triển khai thi công, tuy nhiên do mưa nhiều đã gây khó khăn trong quá trình thi công.

Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ được giao, UBND huyện Vĩnh Tường đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sớm hoàn thành GPMB, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Phân công lãnh đạo UBND huyện theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân từng dự án theo lĩnh vực phụ trách; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn từ các dự án khó có khả năng giải ngân hết sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2022.

Lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện các dự án, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm và các nhà thầu còn dự án chậm quyết toán, các nhà thầu nợ thuế tham gia thực hiện các gói thầu (cả xây lắp và tư vấn) trên địa bàn.

Chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đôn đốc các nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quyết toán dự án hoàn thành; lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn ngay khi có khối lượng.

Đẩy nhanh việc quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt là các dự án chậm quyết toán. Trong trường hợp quá thời hạn, các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa xong thì người đứng đầu các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế chủ trì họp nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giải ngân vốn.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư XDCB, sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để tập trung giải ngân tối đa vốn đã được giao.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83213/vinh-tuong-nhieu-giai-phap-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html