VĨNH THUẬN - 60 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG - Bài cuối: Vĩnh Thuận hôm nay

Trải qua nhiều mất mát bởi chiến tranh, hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương. Ngày nay, Vĩnh Thuận đang trên đà đổi mới, đời sống người dân nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc...

Bài 1: Đền ơn đáp nghĩa - trách nhiệm thiêng liêng

Bài 2: Dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) như khoác lên mình chiếc áo mới. Các con đường rợp bóng cờ, hoa, nhiều băng rôn với khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới”, “Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Vĩnh Thuận (1/1964 - 1/2024)”… góp phần cổ vũ cho huyện vùng sâu vững bước trên đường hội nhập.

Một góc thị trấn Vĩnh Thuận về đêm.

ĐỔI THAY TỪNG NGÀY

18 giờ, những ánh đèn màu bắt đầu sáng lên ở khu vực nội ô thị trấn Vĩnh Thuận. Chị Nguyễn Ngọc Hạ, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận chia sẻ: “Huyện chỉnh trang đô thị đẹp, trong đó hệ thống đèn chiếu sáng kết hợp đèn màu lung linh. Chiều nào tôi cũng dắt con ra khu vực đường đèn và công viên trước cổng UBND huyện cho các con vui chơi, còn tôi vừa tản bộ vừa ngắm cảnh”.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận đồng chí Lê Trung Hồ kế thừa truyền thống cách mạng của huyện, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Vĩnh Thuận đoàn kết, năng động, vượt khó vươn lên đạt nhiều kết quả quan trọng. Huyện chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng toàn diện về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển hài hòa lĩnh vực văn hóa - xã hội; công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông hiệu quả; đời sống người dân ngày càng nâng lên…

Đến nay, thu nhập của người dân đạt 65 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,81%; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% tuyến đường từ huyện về xã, xã về ấp, khu phố được nhựa hóa và bê tông hóa theo chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 Bình Minh đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, Vĩnh Phong đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại IV năm 2025.

Phấn khởi vì sự đổi thay đang diễn ra từng ngày trên quê hương, ông Lê Tấn En, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận cho biết, ông phấn khởi khi thấy quê hương ngày càng phát triển. Nhiều công trình mới từ điện, đường, trường, trạm... được nâng cấp và xây mới... Nhiều công trình thủy lợi được hoàn thiện, đảm bảo sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân vươn lên trong cuộc sống…

“Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo trẻ hiện nay sẽ phát huy trí tuệ, sự đoàn kết để làm giàu cho quê hương, đưa kinh tế - xã hội huyện ngày càng phát triển, xứng danh là huyện anh hùng”, ông En nói.

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN

Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm qua, huyện khắc phục khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái; nâng cao chất lượng vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình lúa - màu; xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa...

Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của nhân dân...

Năm 2023, Vĩnh Thuận thu hoạch trên 2.600 tấn cua, tăng trên 760 tấn so năm 2022. Trong ảnh: Thương lái huyện Vĩnh Thuận thu mua cua.

“Vĩnh Thuận tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án như cụm công nghiệp, trung tâm thương mại gắn với chỉnh trang đô thị thị trấn Vĩnh Thuận và xây dựng, chỉnh trang các chợ xã theo quy hoạch được duyệt. Huyện tích cực huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó ưu tiên đầu tư một số công trình, dự án quan trọng mang tính đột phá như đường ven sông Cái Lớn, cụm công nghiệp ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Phong, các tuyến đường nội ô thị trấn Vĩnh Thuận và một số khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện... Nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện khi hoàn thành, đưa vào sử dụng có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển”, đồng chí Lê Trung Hồ nói.

Song song đó, Vĩnh Thuận tập trung lãnh đạo, huy động lồng ghép các nguồn lực, tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi đầu mối, thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là nông nghiệp, thủy sản; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, nhất là giao thông đến các vùng sản xuất, giao thông liên vùng.

Huyện quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy công trình di tích lịch sử cách mạng góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; quan tâm xây dựng văn hóa và con người Vĩnh Thuận thân thiện, cần cù, năng động, đổi mới, sáng tạo, vì sự phát triển của quê hương anh hùng, vùng an toàn khu cách mạng, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/vinh-thuan-60-nam-mot-chang-duong-bai-cuoi-vinh-thuan-hom-nay-18806.html