Vĩnh Phúc: Tp Phúc Yên kỷ niệm 20 năm tái lập

Sáng 21/12, Tp Phúc Yên ( Vĩnh Phúc) kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã ( nay là thành phố) Phúc Yên ( 1/1/2004 - 1/1/2024) và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên ( 24/12/1958 - 24/12/2023).

Ông Vũ Việt Văn ( ảnh trên) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên, nay là thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố nhìn lại một chặng đường xây dựng và phát triển; để tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp xây dựng thành phố Phúc Yên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Phúc Yên cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và thành phố, cần quan tâm và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã được quy hoạch, như: khu trung tâm hành chính, các dự án giao thông, giáo dục đào tạo, các công viên quảng trường, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải.... Khắc phục, hoàn thiện toàn diện các tiêu chí của đô thị loại III, từng bước phấn đấu, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Thường xuyên quan tâm phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư; giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của địa phương.

Đối với các sở, ban, ngành làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị Phúc Yên không chỉ là trách nhiệm riêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là trách nhiệm chung của cả tỉnh. Xây dựng và phát triển thành phố Phúc Yên phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội từ thành phố đến cơ sở cùng toàn thể Nhân dân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ôn lại quá trình thành lập thị xã ( nay là thành phố) Phúc Yên, ông Nguyễn Thanh Hải (ảnh trên) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Phúc Yên cho biết: Thị xã Phúc Yên chính thức được thành lập ngày 31/10/1905 và là thị xã của tỉnh Phúc Yên lúc bấy giờ. Phạm vi của thị xã được thiết lập bởi đất đai của 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu. Đến đầu năm 1949, cấp trên chỉ đạo giải thể thị xã Phúc Yên, thành lập khu phố Phúc Yên - đơn vị hành chính tương đương cấp xã. Ngày 01/02/1955, thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định 450 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26/6/1976, một lần nữa Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh thì thị trấn Phúc Yên là huyện lỵ của huyện Mê Linh.

Năm 1978, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội. Năm 1991, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú; đến năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/ NĐ-CP, thị xã Phúc Yên được tái lập và mở rộng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới từ ngày 01/01/2004, gồm 5 phường và 4 xã. Sau hơn 14 năm xây dựng và phát triển, ngày 07/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Nam Viêm, phường Tiền Châu thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Trải qua 20 năm, thị xã Phúc Yên đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế trên địa bàn luôn có mức tăng trưởng và dần phát triển ổn định. Thu ngân sách của Phúc Yên đạt cao, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh tự cân đối được ngân sách và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2004, tổng thu trên địa bàn chỉ đạt 935,2 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020, tổng thu đạt 144,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với giai đoạn 2005-2010, gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Riêng năm 2023, thu ngân sách đạt 7.215,1 tỷ đồng.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng và quy mô giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; đặc biệt, công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. An sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến với Phúc Yên.

Rất vinh dự cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Phúc Yên, cách đây 65 năm, sáng ngày 24/12/1958, Hồ Chủ tịch đã về thăm thị xã Phúc Yên - nơi làm việc của các cơ quan Đảng, Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc khi đó. Bác về thăm Phúc Yên giữa lúc Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc giành được những thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960). Đảng bộ và Nhân dân Phúc Yên luôn khắc ghi những lời căn dặn của Người, cùng đồng tâm, nhất trí, xây dựng quê hương Phúc Yên có được thành quả như ngày hôm nay.

Tiến Dũng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-tp-phuc-yen-ky-niem-20-nam-tai-lap-a22380.html