Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm

Sáng 21/12, trong không khí vui mừng, phấn khởi cùng cả nước chuẩn bị đón chào năm mới 2024, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Phúc Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập thị xã (nay là thành phố) Phúc Yên (01/01/2004-01/01/2024) và 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Phúc Yên (24/12/1958-24/12/2023).

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng.

Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển thị xã Phúc Yên, là niềm vinh dự, phấn khởi và tự hào của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Thị xã Phúc Yên chính thức được thành lập ngày 31/10/1905 và là thị xã của tỉnh Phúc Yên lúc bấy giờ. Phạm vi của thị xã được thiết lập bởi đất đai của 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu. Đến đầu năm 1949, cấp trên chỉ đạo giải thể thị xã Phúc Yên, thành lập khu phố Phúc Yên - đơn vị hành chính tương đương cấp xã. Ngày 01/02/1955, thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định 450 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 26/6/1976, một lần nữa Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh thì thị trấn Phúc Yên là huyện lỵ của huyện Mê Linh. Năm 1978, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về Thành phố Hà Nội. Năm 1991, thị trấn Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú; đến năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/ NĐ-CP, thị xã Phúc Yên được tái lập và mở rộng trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh và chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới từ ngày 01/01/2004, gồm 5 phường và 4 xã. Sau hơn 14 năm xây dựng và phát triển, ngày 07/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Nam Viêm, phường Tiền Châu thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi lễ.

Trong 20 năm qua, thị xã Phúc Yên đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế trên địa bàn luôn có mức tăng trưởng và dần phát triển ổn định. Thu ngân sách của Phúc Yên đạt cao, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh tự cân đối được ngân sách và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2004, tổng thu trên địa bàn chỉ đạt 935,2 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020, tổng thu đạt 144,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với giai đoạn 2005-2010, gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Riêng năm 2023, thu ngân sách đạt 7.215,1 tỷ đồng.

Thành phố đã tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm về phát triển giao thông, đô thị; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, điện, nước, giáo dục, khu vui chơi, giải trí. Các khu đô thị trên địa bàn thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; diện mạo đô thị thành phố Phúc Yên có nhiều thay đổi, khởi sắc.

Các hoạt động dịch vụ, du lịch đã và đang phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt 23,74 nghìn tỷ đồng, tăng 13,16% so với giai đoạn 2010-2015. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Các ngân hàng hoạt động và phát triển mạnh mẽ, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Khu du lịch Đại Lải trở thành địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đã có nhiều tập đoàn, dự án lớn đầu tư các khu du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng tại khu vực Đại Lải, như Flamingo Resort, Paradise Resort, Thung lũng Thanh Xuân, sân gofl… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến sinh sống, tham quan và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Flamingo Đại Lải được bình chọn là top 10 các công trình khách sạn và khu nghỉ dưỡng ấn tượng trên thế giới...

Các đại biểu tham dự buổi lễ 20 năm tái lập thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên).

Cách đây 65 năm, sáng 24/12/1958, chính quyền và nhân dân thị xã Phúc Yên vinh dự được Hồ Chủ tịch đã về thăm địa phương. Tại hội trường tỉnh, Bác đến thăm lớp “Bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp”. Tại đây, Bác đã căn dặn: Hợp tác xã đông người nên có sức mạnh. Nếu biết tổ chức tốt sẽ làm được nhiều việc. Cán bộ hợp tác xã phải chí công, vô tư cùng xã viên dân chủ xây dựng hợp tác xã. Hợp tác xã dù bậc thấp hay bậc cao cũng phải xây dựng cho tốt, tài chính công khai, phân phối minh bạch và công bằng, phải thật sự dân chủ xây dựng hợp tác xã. Thực hiện đảng viên đi trước, làng nước theo sau; kế toán phải có sổ sách minh bạch…”. Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên luôn khắc ghi những lời căn dặn của Người, cùng đồng tâm, nhất trí, xây dựng quê hương Phúc Yên có được thành quả như ngày hôm nay.

Khắc ghi lời căn dặc của Bác, phát huy những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội sau 20 năm qua tái lập, Phúc Yên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thành phố Phúc Yên. Trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, khẳng định khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành đô thị loại II và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị; trung tâm về dịch vụ, du lịch và giáo dục của tỉnh và khu vực.

Văn Nhất – Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-ky-niem-20-nam-tai-lap-thi-xa-phuc-yen-va-65-nam-ngay-bac-ho-ve-tham-366970.html