Vĩnh Phúc: Gia tăng giá trị nông sản địa phương

Dù mới được triển khai, nhưng Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) ở Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống.

Triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, bổ sung vào các nghị quyết, chương trình hành động. Các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn tham gia tập huấn về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hạch toán kinh doanh.

Khai thác mật ong tại trang trại Ong Tam Đảo

Ông Đỗ Hải Triều - Phó Chánh văn phòng Chương trình Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi từ tỉnh đến cơ sở. Được các địa phương quan tâm thực hiện, các sản phẩm tham gia không ngừng được hoàn thiện cả chất lượng và mẫu mã.

Cụ thể, năm 2019, địa phương có 46 ý tưởng của 20 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP thì có 20 sản phẩm được đề nghị đánh giá phân loại cấp. Kết quả, 18 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 8 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Năm 2020, tỉnh đã nhận được 47 ý tưởng sản phẩm của 34 chủ thể đăng ký tham gia. Dự kiến, cuối năm sẽ có từ 20 đến 25 sản phẩm đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, ông Triều thông tin thêm.

Là một trong những đơn vị tiêu biểu tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (xã Đạo Đức – huyện Bình Xuyên) hiện có 6 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao. Hiện đơn vị đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường với hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài.

Để có được kết quả đó, công ty luôn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, tiếp cận với công nghệ hàng đầu trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt cuối năm 2019, đầu 2020, trên cơ sở những sản phẩm đã có, công ty đã tập trung phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng về quà tặng du lịch.

Khác với Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý – huyện Tam Đảo) dù mới thành lập từ năm 2018 và đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên vào năm 2019, nhưng đến nay HTX đã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao là sữa chua, sữa chua nếp và bánh sữa đặc biệt Tam Đảo. Đây là dấu mốc quan trọng, giúp sản phẩm nâng cao uy tín trên thị trường. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cũng không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Bà Kim Thị Tân - Phó giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo - cho hay: Hiện, HTX đã tổ chức 3 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, tại mỗi điểm đều tổ chức hoạt động ăn thử, nhằm hướng tới những khách hàng lần đầu tiên biết đến sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động bán hàng online. Nhờ vậy, doanh thu HTX trong năm 2020 dự kiến có sự tăng trưởng đáng kể so với thời gian đầu sản xuất.

Chương trình OCOP khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tích cực khai thác tiềm năng đặc sản nông thôn, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản có uy tín.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vinh-phuc-gia-tang-gia-tri-nong-san-dia-phuong-142554.html