Vịnh Hạ Long có 'ngăn sông cấm chợ' với vịnh Lan Hạ?

Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) lên tiếng khẳng định vịnh Hạ Long và Lan Hạ không có tình trạng 'ngăn sông cấm chợ' bởi hai vịnh có vị trí riêng biệt, cần tuân theo quy định của từng địa phương.

Thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí, mạng xã hội phản ánh thông tin vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) có tình trạng "ngăn sông cấm chợ". Các bài báo cho rằng tình trạng này gây mất thời gian, tốn chi phí cho doanh nghiệp, du khách hay gây khó dễ dịch vụ du thuyền...

Không có việc "cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua hai lần đò"

Mới đây, đại diện Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết đã gửi giải trình tới UBND tỉnh Quảng Ninh về thông tin "ngăn sông cấm chợ" của vịnh này với vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). Ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định, hai vịnh là danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương khác nhau (Quảng Ninh và Hải Phòng), do đó hoạt động tham quan tuân thủ quy định của từng địa phương.

Hiện, các tàu du lịch khai thác vịnh Hạ Long do Quảng Ninh cấp phép, được di chuyển theo 5 tuyến, xuất phát từ một trong ba cảng ở tỉnh này, gồm cảng Tuần Châu, Vinashin và Sun Group.

Trong khi đó, các tàu khai thác du lịch ở vịnh Lan Hạ, do Hải Phòng cấp phép, chỉ hoạt động trong vùng biển do tỉnh này quản lý và xuất phát từ các cảng nhỏ, cũ, kém thuận tiện hơn cảng ở Quảng Ninh, như bến Gót, Gia Luận.

Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp. Do vậy, các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng cho biết hoạt động tham quan trên hai vịnh được phân thành các tuyến để đảm bảo sức tải của di sản và giảm thiểu ảnh hưởng đến di sản.

"Khi đi tham quan vịnh Hạ Long, du khách phải mua vé tham quan vịnh Hạ Long, thuê phương tiện được cấp phép hoạt động trên vịnh Hạ Long và tương tự đối với vịnh Lan Hạ. Do đó, không có việc “cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần đò”", Ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định.

Du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ (Ảnh: Linh Trang)

Khuyến nghị hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long

Tại vịnh Hạ Long, ngoài hoạt động theo Luật đường thủy nội địa còn bị chi phối bởi Luật di sản với các khuyến cáo của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) về vùng lõi, vùng đệm của di sản.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã khuyến nghị về việc hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan như quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch cũng như nâng cao chất lượng và quản lý tàu trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của tỉnh. Tháng 4/2016, có 533 tàu du lịch tham quan, vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Hiện con số này giảm còn 500, trong đó có 400 tàu thường xuyên hoạt động.

"Nếu các tàu du lịch từ Hải Phòng chạy vào vịnh Hạ Long sẽ làm tăng số lượng tàu hoạt động trên vịnh. Vì thế, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng không thiết lập thêm tuyến từ Cát Bà sang Hạ Long", Ban quản lý vịnh Hạ Long nói.

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vinh-ha-long-co-ngan-song-cam-cho-voi-vinh-lan-ha-2170086.html