Vĩnh biệt nhà ngữ học đáng kính Bùi Khánh Thế!

Sáng 1-4, thầy trò Khoa Ngôn ngữ học chúng tôi và giới ngôn ngữ học trong cả nước đau buồn đón nhận tin thầy Bùi Khánh Thế vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) sau một thời gian dài điều trị ở đây.

Hơn 2 năm chống chọi với bệnh tật, trong hoàn cảnh tuổi cao sức yếu, sự ra đi của thầy ở tuổi 88 không phải là quá đột ngột nhưng cảm giác mất mát trong lòng chúng tôi, những đồng nghiệp, các thế hệ học trò của thầy là điều không thể bù đắp.

Chúng tôi vẫn nhớ dáng vẻ nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn của thầy khi trình bày vấn đề trong các sinh hoạt học thuật được tổ chức tại khoa, tại các buổi nghiệm thu đề tài, các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Thầy được đồng nghiệp, học trò kính trọng không chỉ vì kiến thức uyên thâm mà còn vì thầy là người luôn chừng mực trong ứng xử, giữ thái độ hòa nhã với tất cả mọi người. Học trò chúng tôi luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ thầy khi gặp những khó khăn trong công việc nghiên cứu để từ đó có thêm động lực để đi tiếp con đường của mình đã chọn.

GS-TS - Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế (sinh năm 1936, tại Bình Định) là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, đồng thời là một trong những người tham gia công tác quản lý và giảng dạy đại học từ những ngày đầu xây dựng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM sau năm 1975. Thầy nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM, Trưởng Khoa Đông phương học - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM.

GS-TS - Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế (thứ tư từ trái qua) và tác giả bài viết này - TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh (bìa trái) tại buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của một học viên, vào tháng 6-2014 Ảnh: PHẠM DŨNG

GS-TS - Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế được giới chuyên môn ghi nhận là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực: Ngôn ngữ học tiếp xúc, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam. Trong cuộc đời giảng dạy và hoạt động khoa học của mình, thầy đã công bố các công trình khoa học tiêu biểu như: Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Từ điển Chăm - Việt (chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995; Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHQG TP HCM, 2001; Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, NXB ĐHQG TP HCM, 2011; Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012. Và gần đây nhất là công trình Ngôn ngữ học tiếp xúc và vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB ĐHQG TP HCM, 2016 được giới thiệu nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thầy. Cuốn sách là một chuyên luận tập hợp các bài viết của thầy về tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. Vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam bắt đầu được quan tâm từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, các nội dung cơ sở lý luận hầu hết đều xuất phát từ các công trình nghiên cứu nước ngoài, chưa có một chuyên luận, một giáo trình chính thức nào được ra đời ngoại trừ các bài viết lẻ tẻ được công bố hoặc một vài kỷ yếu hội thảo có liên quan. Vì vậy, cuốn sách của thầy là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai có quan tâm đến lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực nghiên cứu mà thầy tâm đắc và dành rất nhiều tâm huyết trong những năm qua.

Mặc dù nghỉ hưu đã khá lâu nhưng thời gian trước khi sức khỏe suy yếu, thầy vẫn luôn tham gia các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cùng với thầy trò Khoa Ngôn ngữ học. Chúng tôi may mắn được học hỏi từ thầy rất nhiều, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về tinh thần, thái độ nghiêm túc, khách quan trong khoa học.

Vài năm trước khi mất, thầy Bùi Khánh Thế đã trao tặng cho Phòng Tư liệu của Khoa Ngôn ngữ học chúng tôi phần lớn sách vở, tư liệu quý hiếm mà thầy gom góp được trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy. Lật giở từng trang sách, đọc lại những ghi chú cẩn thận của thầy trên những trang giấy cũ, chúng tôi lại nhớ những lời chỉ dạy ân cần của thầy. Thầy để lại cho chúng tôi không chỉ là những cuốn sách, những tài liệu chuyên ngành mà còn để lại trong lòng người học cái tâm cái tầm của một người thầy đối với học trò. Thầy Bùi Khánh Thế thật sự là tấm gương về sự tự học, về sự tận tụy với ngôn ngữ học. Khi đã trở thành một nhà ngữ học uy tín, đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực của mình thì đối với các học trò, thầy vẫn giữ nguyên vẹn sự hồn nhiên, nồng nhiệt, đam mê với các vấn đề của Ngôn ngữ học, để mang ra chia sẻ với học trò. Đó là ấn tượng sâu sắc của các thế hệ học trò chúng tôi về thầy.

Mong thầy ra đi thanh thản. Các đồng nghiệp, các thế hệ học trò chúng tôi luôn nhớ những câu chuyện đẹp về người thầy khả kính và lưu giữ trong ký ức của mình những hình ảnh giản dị, thân thương của thầy Bùi Khánh Thế những ngày còn trên bục giảng.

TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vinh-biet-nha-ngu-hoc-dang-kinh-bui-khanh-the-19624040222095817.htm