Vinacomin (TKV): Lộ tiếp sai phạm vung vãi chi tiêu quỹ

Thêm một sai phạm lộ diện ở Tập đoàn Công nghiệp than- Khoáng Sản Việt Nam (TKV) việc quản lý, sử dụng quỹ thăm dò và quỹ môi trường than - khoáng sản giai đoạn 2010-2014 của TKV cho thấy việc trích lập, sử dụng của đơn vị này qua nhiều sai sót nghiêm trọng, liên quan đến chi sai hàng trăm tỉ đồng và thậm chí bất chấp các quy định để khai thác khoáng sản...

Sự cố nghiêm trọng về môi trường do trận mưa lớn vào cuối tháng 7.2015, đã khiến bãi thải khai thác than Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) tràn xuống khu vực sản xuất và hơn 100 ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn nước.

"Vung tay quá trán" hàng trăm tỉ đồng

Kiểm toán nhà nước vừa hé lộ những sai sót có dấu hiệu nghiêm trọng về tài chính liên tiếp ở các đơn vị do Tập đoàn TKV kiểm soát đã cho thấy những bất cập về điều hành sản xuất của Vinacomin.

Kết quả kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ Thăm dò và quỹ Môi trường than - khoáng sản giai đoạn 2010-2014 của TKV đã lộ dấu hiệu cho thấy việc trích lập, quản lý, sử dụng tiền hai quỹ nếu trên. Quỹ thăm dò và quỹ môi trường được sử dụng cơ bản tuân thủ theo hướng dẫn của TKV giai đoạn 2010-2012 và Bộ Tài chính giai đoạn 2013-2014 và quy định về quản lý đầu tư xây dựng. Theo lý giải từ tập đoàn này, đơn vị được trích lập 5 loại quỹ, trong đó quỹ thăm dò than - khoáng sản tính tối đa không quá 2% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than - khoáng sản và quỹ môi trường than - khoáng sản được tính tối đa không quá 1,5% trên tổng doanh thu của các đơn vị sản xuất, chế biến than - khoáng sản...

Việc doanh thu hàng năm của tập đoàn này bằng hoặc trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm thì theo quy định, việc trích lập 2 loại quỹ nêu trên sẽ là con số vài nghìn tỉ đồng/năm. Sẽ không có điều gì bất thường, bởi chỉ khi kiểm toán nhà Nước "mổ sẻ" cho thấy việc sử dùng các nguồn quỹ nêu trên để xảy ra nhiều sai sót nghiêm trọng.

Cụ thể: Kiểm toán Nhà nước cho rằng, TKV chưa xây dựng đầy đủ kế hoạch sử dụng quỹ thăm dò, quỹ môi trường trung và dài hạn; chưa mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán các khoản lãi phát sinh và tăng nguồn các quỹ theo quy định; trích lập và sử dụng các quỹ chưa đúng quy định; trích vượt quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỷ đồng; sử dụng quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỷ đồng (quỹ thăm dò 191,06 tỷ đồng, quỹ môi trường 47,62 tỷ đồng).

Ngoài ra, TKV sử dụng quỹ thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than "vượt rào" là 371,1 tỷ đồng, tức lên tới 529,4 tỷ đồng/ 158,3 tỷ đồng trên số được trích lập.

Bất chấp quy định về khai thác khoáng sản

Một trong những nội dung được kiểm toán Nhà nước làm rõ là việc tập đoàn TKV đã phớt lờ những quy định ràng buộc của pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác than- khoáng sản mà tập đoàn này khi đó đang là độc quyền. Ngoài chi vượt trích lập các quỹ nêu trên, TKV đã lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán của một số đề án, dự án đầu tư còn hạn chế; việc khảo sát, thiết kế không phù hợp điều kiện thực tế.

Đáng trách và nghiêm trọng hơn: Họ đã phê duyệt các đề án thăm dò không có khối lượng hoặc khối lượng khoan thăm dò lớn hơn quy định; phê duyệt đề án khi chưa được Tổng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) thẩm định; phê duyệt dự án trước khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán trước khi phê duyệt dự án đầu tư; không thẩm tra, phê duyệt bản vẽ thi công.

Tình trạng lộn xộn còn thể hiện rõ trong báo cáo khi cho rằng, hầu hết các đề án khoan thăm dò không tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định. TKV chỉ định đơn vị thi công trong quyết định phê duyệt đề án. Về cụ thể, đề án thăm dò mỏ Hà Ráng (Cty Than Hạ Long) thì phía nhà thầu lập đề án thăm dò được chỉ định luôn là nhà thầu trực tiếp thi công (?).

Chưa hết, nhiều dự án cũng được kiểm toán chỉ ra việc chậm tiến độ, gây lãng phí, tăng chi phí đầu tư như: Đề án thăm dò bauxit chậm từ 2-3 năm; Cty than Uông Bí có gói thầu số (05) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ô tô từ cầu chui Vàng Danh đến trạm chuyển tải Khe Thần bị chậm 561 ngày; Tổng Cty Khoáng sản có gói thầu xây dựng, thi công đập môi trường số 5 chậm 124 ngày. Nhiều đơn vị thành viên thuộc tập đoàn triển khai dự án vượt phép, vượt phạm vi giới hạn. Điển hình như khoan vượt giấy phép tại 2 đề án của Cty than Hạ Long, 2 đề án của Cty Than Uông Bí, 1 đề án của Cty than Dương Huy, 1 đề án của Cty Than Mạo Khê và khoan thăm dò ngoài phạm vi được phép quản lý tại Tổng Cty Công nghiệp mỏ Việt Bắc...

Thêm một lần nữa, sự lãng phí, thất thoát trong đầu tư, quản lý quỹ đã bị kiểm toán "bóc mẽ" đã bộc lộ những yếu kém về quản lý, điều hành một tập đoàn lớn như TKV.

"Việc sai phạm kể trên cùng bộ máy cồng kềnh, nạn trộm cắp, ăn gian chênh lệch phẩm cấp; tác động chi phí sản xuất bởi chuyện lòng vòng mua bán vật tư, đơn giá thiết bị đôn giá; khai khống số lượng bóc đất đá/km đường vận chuyển vẫn thường xuyên bị phát giác cho thấy cung cách quản lý nhiều sở hở, trong khi tập đoàn này đang khó khăn chồng chất do tồn kho trên 10 triệu tấn than sạch vào lúc này" - một đại diện trong ngành bày tỏ.

Hàng trăm nghìn khối bùn nước từ bi thải đông Cao Sơn tràn xuống khu vực sản xuất của Cty than Mông Dương và làm tê liệt sản xuất trong nhiều tháng với chi phí khắc phục trên 500 tỉ đồng.

Hàng trăm tấn bùn đất từ tràn từ bãi thải ngành than xuống hàng chục ngôi nhà khu dân cư phường Mông Dương (TP. Cầm Phả) cuối tháng 7.2015.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vinacomin-tkv-lo-tiep-sai-pham-vung-vai-chi-tieu-quy-575861.bld