Vietnam Airlines vẫn chờ giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng

(TBKTSG Online) - Đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 94/QH trong đó có nội dung “giải cứu” hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) qua hình thức cho phép phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và vay tái cấp vốn. Đến nay, khoản vay tái cấp vốn dự kiến 4.000 tỉ đồng vẫn đang chờ được hoàn tất những bước thủ tục cuối cùng tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có thể giải ngân.

Vietnam Airlines vẫn đang chờ các khoản vay tái cấp vốn và phát hành tăng vốn điều lệ để có thể duy trì thanh khoản, có thêm dòng tiền vượt qua đại dịch. Ảnh minh họa: DNCC

Dự thảo Thông tư quy định của NHNN về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi các TCTD cho Vietnam Airlines vay và về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản vay này như Nghị quyết Quốc hội đề ra đang được thực hiện.
Theo đó, khi cho vay tái cấp vốn 4000 tỉ đồng đối với Vietnam Airlines thì TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện các quy định như đối với các khoản vay vay tái cấp vốn lớn khác được Quốc hội và Chính phủ cho phép.

Lãi suất vay tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và được gia hạn thêm 1 lần nếu bên được tái cấp vốn có yêu cầu. Lãi suất tái cấp vốn đối với khoản nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển qua, không tính lãi đối với nợ quá hạn. Các khoản tái cấp vốn này không cần Vietnam Airlines phải có tài sản đảm bảo.

Việc gia hạn tái cấp vốn được tự động thực hiện 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại. Tổng thời gian tái cấp vốn và các lần gia hạn tái cấp vốn không vượt quá 1092 ngày.

Khoản vay tái cấp vốn của hãng sẽ chỉ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dần cân đối lại dòng tiền mà không phục vụ cho mục đích khác. Do khoản vay tái cấp vốn nhanh nhất đến hết quý I năm nay mới có thể giải ngân nên từ tháng 11/2020, hãng đã thông qua Đại HĐCĐ kêu gọi các cổ đông khác ngoài cổ đông Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng với các cổ đông .

“Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường với mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn đúng với phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước”, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính - kế toán của Vietnam Airlines, cho biết.

Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng và Tổng công ty đầu tư - kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ sẽ đầu tư mua cổ phiếu. Dự kiến, sau khi phát hành phần vốn tăng thêm, SCIC sẽ nắm giữ 25,39% tổng số cổ phần tại Vietnam Airlines và có đại diện trong Hội đồng quản trị của hãng. Tổng số tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước có tại hãng vẫn là 86,1%, ANA Holdings 8,77%; 5,04% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (đến hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).

Cập nhật đến cuối tháng 12-2020, doanh thu hợp nhất năm nay của hãng ước đạt 42.523 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 32.983 tỉ đồng, đều vượt so với kế hoạch lần lượt là 1.937 tỉ đồng (4,8%) và 448 tỉ đồng (1,4%). Song số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỉ đồng. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỉ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/314384/vietnam-airlines-van-cho-giai-ngan-khoan-vay-tai-cap-von-4000-ti-dong.html