Vietnam Airlines dần 'hụt hơi' trong cuộc đua lãi ròng với Vietjet sau gần nửa thập kỷ

Nhìn lại thời điểm trước và sau đại dịch Covid-19, từ quý I/2019 đến nay, tuy doanh thu thuần của Vietnam Airlines (mã: HVN) luôn cao hơn Vietjet (mã: VJC). Tuy nhiên, 2 hãng bay này lại có màn rượt đuổi gắt gao về lãi ròng mà Vietjet thường giành phần thắng.

Biểu đồ: Thùy Dương

Biểu đồ: Thùy Dương

Đầu năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch), lãi ròng của VJC đã cao hơn HVN xấp xỉ 21% cho đến hơn 50%, ngược lại doanh thu thuần của HVN hầu như gấp đôi so với VJC qua các quý trong năm này. Theo đó,báo cáo tài chính quý III/2019 cho biết doanh thu vận tải hàng không của hãng tiếp tục đạt tăng trưởng cao 17% so với quý III/2018, đạt 10.415 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 13.577 tỷ đồng.

Với khả năng quản lý chi phí tốt ở mức hàng đầu và tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức 88%, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không có sự tăng trưởng tương ứng 17% đạt 1.310 tỷ đồng, kết quả lợi nhuận hợp nhất đạt 1.912 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất VJC đạt 38.134 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.206 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực vận tải hàng không đạt doanh thu 30.597 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.864 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, doanh thu vận chuyển hành khách tiếp tục đạt 9.992 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng doanh thu phụ trợ (ancillary), đóng góp vị trí quan trọng trong tăng trưởng đạt 2.835 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 28,3% trong tổng doanh thu vận chuyển hành khách. Theo mô hình phát triển bền vững của các hãng hàng không chi phí thấp (LCC), doanh thu ancillary là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hãng vì tỷ suất lợi nhuận đạt trên 90%. Theo báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019, Vietjet đang giữ vị trí top 12 của thế giới về tỷ lệ doanh thu ancillary trong tổng doanh thu.

So với 9 tháng năm 2018, Vietjet duy trì sự tăng trưởng cao trong việc mở rộng các thị trường mới, đặc biệt ở các tuyến quốc tế. Đến cuối quý, tổng số đường bay đạt được 127 đường, tăng 24 đường so với cùng kỳ 2018, trong đó chủ yếu là các đường bay quốc tế. Tổng số chuyến bay thực hiện 34.000 chuyến an toàn, phục vụ chuyên chở hơn 6 triệu lượt khách hàng.

 Biểu đồ: Thùy Dương

Biểu đồ: Thùy Dương

Về phía Vietnam Airlines, trong quý III/2019, hãng đã báo doanh thu vận tải hàng không giảm, doanh thu thuần gần như đi ngang so với quý III/2018 khi chỉ tăng 0,2% lên mức 25.418 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp vẫn tăng nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 1% trong kỳ về còn 22.100 tỷ đồng. Theo đó, lãi gộp tăng 7% lên 3.308 tỷ đồng, lãi ròng đạt 1.131 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý II/2019 nhưng vẫn thấp hơn lãi ròng quý III/2019 của VJC.

Doanh thu từ vận tải hàng không của HVN vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất tổng doanh thu, nhưng đã ghi nhận sụt giảm 1,6% so với quý III/2018.

Theo Tổng cục thống kê 9 tháng đầu năm 2019, thị phần riêng Vietnam Airlines tại thị trường nội địa và quốc tế lần lượt là 35% và 25% (giảm từ 39,7% và 25,5% trong năm 2018) do áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Nếu tính chung Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO), thị phần nội địa giảm 2% xuống còn 54%.

Sang đến năm 2020, trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu lao đao vì dịch bệnh Covid-19, việc Vietjet báo lãi ròng quý IV lên tới 994,67 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý không nhỏ từ dư luận.

Cụ thể, quý IV/2020, Vietjet ghi nhận hơn 4.429 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 68,1% so với quý IV/2019. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách chỉ bằng 1/5 quý IV/2019, đạt 1.097 tỷ đồng. Các nguồn thu khác từ hoạt động phụ trợ (1.727 tỷ đồng), chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay (1.219 tỷ đồng) và doanh thu khác (386 tỷ đồng) đều giảm mạnh so với quý IV/2019. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp quý IV của Vietjet đạt hơn 494 tỷ đồng, giảm 62,7% so với 1.324,7 tỷ đồng quý IV/2019.

Trong kỳ, Vietjet ghi nhận 104,3 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 11,3% so với 117,62 tỷ đồng của quý IV/2019. Trừ đi các chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, hãng báo lãi thuần quý IV đạt 261,71 tỷ đồng, giảm tới 67,2% so với 797,95 tỷ đồng của quý IV/2019. Tuy nhiên, lãi trước thuế của hãng trong quý lại tăng trưởng 24,94% so với quý IV/2019, đạt hơn 1.005 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình, Vietjet có tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh đại dịch như vậy là nhờ khoản thu nhập khác. Cụ thể, quý IV/2020, hãng ghi nhận 745,37 tỷ đồng thu nhập khác, gấp 108,2 lần quý IV/2019. Sau khi trừ đi 1,45 tỷ đồng chi phí khác thì lợi nhuận khác mà Vietjet ghi nhận trong kỳ là 743,92 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế quý IV/2020 của Vietjet đạt 994,67 tỷ đồng, tăng trưởng 84,6% cùng kỳ 2019.

Trước đó, vào quý II/2020, Vietjet cũng công bố lãi sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỷ đồng, tăng trưởng 71% so với quý II/2019.

Theo báo cáo của nhóm phân tích CTCK VNDirect tại thời điểm đó, trong quý II/2020, tổng số chuyến bay của Vietjet giảm 60,8% còn 13.792 chuyến, dẫn đến doanh thu vận tải giảm 91,2% và doanh thu phụ trợ giảm 66,8% so với quý II/2019. Tuy nhiên, nhờ doanh thu chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (S&LB) tăng 17,5%, tổng doanh thu quý II/2020 của Vietjet chỉ giảm 60,8% so với quý II/2019, đạt 4.970 tỷ đồng.

VNDirect đánh giá trong quý II/2020, lợi nhuận gộp 2.005 tỷ đồng từ hoạt động S&LB dẫn đến biên lợi nhuận gộp của hoạt động này đạt mức 63,3%, cao hơn 61,4 điểm phần trăm so với năm 2019 đã giúp lỗ gộp quý II/2020 của Vietjet giảm xuống còn 109 tỷ đồng.

Ngoài ra, thu nhập tài chính ròng của Vietjet tăng lên 1.030 tỷ đồng trong quý II/2020 chủ yếu do khoản hoàn nhập dự phòng cho khoản đầu tư vào PV Oil đạt 690 tỷ đồng và các khoản thu nhập tài chính khác đạt 598 tỷ đồng. Khoản thu nhập này giúp Vietjet đạt mức lợi nhuận ròng 1.063 tỷ đồng trong quý II/2020.

Lũy kế cả năm 2020, Vietjet ghi nhận 18.209 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 64% so với 50.602 tỷ đồng của năm 2019. Lợi nhuận gộp là âm 1.573 tỷ đồng trong khi con số này năm 2019 là 5.622 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tài chính năm 2020 tăng 32,2% so với 2019, đạt 1.032,5 tỷ đồng nhưng sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet vẫn âm 2.395 tỷ đồng trong khi năm trước đạt 3.847 tỷ đồng.

Trong năm 2020, thu nhập khác mang về cho Vietjet 2.528 tỷ đồng, gấp 3 lần so với 721 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận khác năm 2020 đạt 2.518 tỷ đồng.

Còn kết quả kinh doanh năm 2020 của Vietnam Airlines phản ánh rõ nét hơn về khó khăn của toàn ngành với doanh thu thuần trong quý IV/2020 đạt 8.202 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với quý IV/2019 là 23.134 tỷ đồng.

Trong kỳ, hãng gánh thêm khoản chi phí tài chính tăng 62% lên 79 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm từ hơn 228 tỷ đồng xuống còn 144 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm từ 216 tỷ đồng xuống còn 128 tỷ đồng.

Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế ghi nhận âm 377 tỷ đồng, trong khi quý IV/2019 lãi 97 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 422 tỷ đồng, cùng kỳ là 24 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi 2019 lãi 2.537 tỷ đồng.

Đến quý II năm nay, tại thời điểm phục hồi sau đại dịch, mặc dù doanh thu khách nội địa giảm, Vietjet vẫn có lãi trong khi Vietnam Airlines báo lỗ quý thứ 14 liên tiếp.

Cụ thể, sự tăng trưởng khách quốc tế trong nửa đầu năm 2023 đã mang lại cho các VJC nguồn thu lớn. Quý II/2023, Vietjet vận chuyển khách quốc tế đạt 2.960 tỷ đồng, gấp 3 lần quý II/2022, góp phần nâng tổng doanh thu của hãng lên 16.872 tỷ đồng, tăng 45%.

Trong quý này, tổng doanh thu của Vietnam Airlines cũng tăng 12%, đạt 20.700 tỷ đồng. Hãng cho biết doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Doanh thu phục hồi, khoản lỗ quý II/2023 của Vietnam Airlines được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, còn âm 1.294 tỷ đồng (quý II/2022 âm 2.568 tỷ đồng). Trong khi đó, Vietjet báo lãi 214 tỷ đồng, tăng 18% so với quý II/2022.

Riêng quý II, mảng vận chuyển hàng khách nội địa của Vietjet giảm gần 39%, còn 2.807 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số doanh thu khác lại tăng khá mạnh. Theo đó, doanh thu hoạt động phụ trợ (hành lý, bán suất ăn, gấu bông, quảng cáo, dịch vụ ưu tiên...) đạt 4.623 tỷ đồng, tăng 60%. Doanh thu cho thuê chuyến bay, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ lần lượt đạt 1.734 tỷ đồng và 4.307 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp 41 và 1,7 lần so quý II/2022. Như vậy, riêng mảng phụ trợ đã đem về cho Vietjet gần 9.000 tỷ đồng nửa đầu năm nay, chiếm 40% tổng doanh thu.

Đối với Vietnam Airlines, chiếm chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của hãng vẫn đến từ vận tải hàng không với 16.173 tỷ đồng trong quý và 34.986 tỷ đồng trong cả 6 tháng, tăng lần lượt 22% và 62%. Doanh thu bán hàng và hoạt động phụ trợ vận tải của hãng hàng không quốc gia ở quý II còn sụt giảm so với quý II/2022, đạt 3.271 tỷ đồng và 829 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 2%.

Biểu đồ: Thùy Dương

Biểu đồ: Thùy Dương

Tại Việt Nam, Vietjet là hãng hàng không giá rẻ điển hình. Đầu quý II năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận định, đa số các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới phải tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu để thu được lợi nhuận thay vì chỉ dựa vào tiền vé máy bay.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam mới đây (ngày 1/8), tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 89,4% và 84,8%. Bamboo Airways đạt tỷ lệ cao nhất, với 95,6%, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn ngành là 88,3%.

Vietnam Airlines và Vietjet Air ghi nhận tỷ lệ chậm chuyến lần lượt 10,6% và 15,2%; Bamboo Airways ghi nhận tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất với 4,4%.

Một trong số những nguồn doanh thu của các hãng hàng không là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ bao gồm các sản phẩm, dịch vụ hãng cung cấp cho hành khách trong chuyến bay (không tính doanh thu từ việc bán vé máy bay) chẳng hạn như chọn chỗ ngồi, bữa ăn, dịch vụ ký gửi hành lý,... Bên cạnh đó, các hãng hàng không giá rẻ cũng phải tối ưu hóa vận hành để đảm bảo lợi nhuận.

Không chỉ các hãng hàng không giá rẻ, nhiều hãng hàng không lớn hoặc lâu đời cũng đẩy mạnh khai thác dịch vụ phụ trợ để tăng nguồn thu.

Đánh giá về dịch vụ hãng bay, nhiều ý kiến từ phía hành khách cho rằng khoản tiền từ cơ chế hoàn, hủy vé máy bay của Vietjet cũng là 1 trong những yếu tố chủ chốt đem lại doanh thu gấp bội cho hãng bay này. Theo cơ chế, hãng chỉ hỗ trợ bảo lưu định danh trong 1 năm đối với vé của chuyến bị hủy và không hoàn tiền. Cùng với khoản thu từ chở cargo hàng hóa, rõ ràng lợi nhuận của Vietjet không chỉ phụ thuộc phần lớn vào sản lượng khách nội địa.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vietnam-airlines-dan-hut-hoi-trong-cuoc-dua-lai-rong-voi-vietjet-sau-gan-nua-thap-ky.html