Việt Nam xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc

Chiều 16/11, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Lạng Sơn đồng chủ trì lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Lễ ký hợp tác với một số hiệp hội yến các tỉnh của Việt Nam cũng như đối tác Trung Quốc để chuẩn bị cho các lô hàng xuất khẩu tiếp theo.

Sản phẩm tổ yến đã có giấy thông hành sang Trung Quốc

Theo Bộ NN&PTNT, lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với ngành yến của Việt Nam.

Đây là kết quả triển khai quyết liệt và có hiệu quả các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nêu tại Nghị định thư đã ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 9/11/2022.

Theo đó, Công ty cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến, gồm có tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn.

Như vậy sau hơn 5 năm, các sản phẩm tổ yến của Việt Nam đã chính thức có được giấy thông hành đi vào thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người và có nhu cầu rất lớn về tổ yến và các sản phẩm từ yến.

Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân.

Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay có thêm Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam đạt khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu... Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.

"Chúng tôi nhìn nhận việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sản phẩm tổ yến của Việt Nam vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm tổ yến tự hoàn thiện, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu" - ông Tiến nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Doanh nghiệp cần đảm tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc

Trao đổi với báo chí ngay tại buổi lễ công bố, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cũng nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng suốt 5 năm đàm phán với Trung Quốc.

Để có các sản phẩm yến sào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Tống Xuân Chinh khuyến nghị các doanh nghiệp cần đáp ứng các vấn đề kiểm dịch an toàn thực phẩm, tập quán của người Trung Quốc trong vấn đề nhập khẩu đáp ứng tiêu chí xuất khẩu, liên kết hợp tác với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển thị trường, kéo giảm chi phí logistic.

"Mã số các cơ sở nuôi chim yến, là công cụ quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản, có lộ trình cụ thể, đầu tư hạ tầng kỹ thuật chế biến chuyên sâu, gia tăng kinh tế và định hướng lâu dài" - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi nói.

Là một hộ nuôi yến sào tại tỉnh Bình Định cũng là cơ sở nguyên liệu được Công ty cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam, ông Võ Nguyên Hòa chia sẻ niềm vui khi sản phẩm yến sào Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo ông Hòa, nuôi yến đòi hỏi kỹ thuật cao, đúng quy trình, tiêu chuẩn xây nhà yến phải như xây khách sạn cho chim. Quy mô đầu tư 1,5 - 3 tỷ đồng/nhà

"Yến thô chưa được xuất khẩu chính ngạch có giá bán 18 - 22 triệu đồng/kg. Sau khi Việt Nam xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc, người dân nuôi yến phấn khởi khi ước tính giá trị tăng gấp 3 lần" - ông Hòa nói.

Ở góc độ hiệp hội, ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, khẳng định tiềm năng ngành yến sào Việt Nam được mở ra khi lô yến đầu tiên được thông quan Trung Quốc. Doanh nghiệp cần nỗ lực, tạo chuỗi cung cầu ổn định, đầu tư, chế biến sơ chế phải mẫu mã đẹp.

"Là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao từ loại động vật quý hiếm, nên doanh nghiệp cần phải bảo tồn, đặc biệt là duy trì rừng, ao hồ để chim yến có không gian về, đầu tư kỹ thuật dụ chim hiện đại nhưng phải đảm bảo và an toàn cho yến" - ông Đại cho biết.

Ngay tại buổi lễ, Công ty cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam đã tiến hành lễ ký hợp tác với một số hiệp hội yến các tỉnh cũng như đối tác Trung Quốc để chuẩn bị cho các lô hàng xuất khẩu tiếp theo.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-xuat-khau-lo-san-pham-to-yen-dau-tien-sang-thi-truong-trung-quoc-139600.html